Trao đổi với PV VietNamNet, Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, tại các đoạn đường được cơ quan chức năng đặt biển cấm dừng, cấm đỗ nhằm tránh các phương tiện gây ùn ứ, cản trở giao thông.

Việc xử lý hành vi này là chấm dứt ngay tình trạng cản trở giao thông, biện pháp cẩu kéo phương tiện là bắt buộc để trả lại đường thông thoáng.

Loạt ô tô đậu tại nơi có biển cấm đỗ gây cản trở giao thông

Vị Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 cho biết thêm, với hành vi ô tô dừng sai quy định thì việc cẩu kéo xe chỉ áp dụng khi lực lượng chức năng phát hiện xe vi phạm nhưng chủ xe không có mặt.

“Quá trình phát hiện, xử lý vi phạm lực lượng làm nhiệm vụ sẽ sử dụng loa hoặc gọi điện thoại để lại trên kính xe  để mời tài xế có ô tô dừng, đỗ sai quy định làm việc với lực lượng CSGT. Sau khoảng 15- 20 phút, nếu chủ xe không có mặt thì buộc phải cưỡng chế bằng cách cẩu kéo phương tiện”, Thiếu tá Trần Quang Chinh cho biết. 

Trước khi cẩu kéo phương tiện, CSGT sẽ dùng loa gọi chủ xe

Thiếu tá Trần Quang Chinh cũng lấy ví dụ, trên thực tế khi lực lượng chức năng sử dụng loa kêu gọi chủ phương tiện ra điều khiển xe đi thì nhiều người có mặt tại hiện trường nhưng cũng bất hợp tác.

“Họ cho rằng lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở, không thể xử phạt khi vắng mặt chủ phương tiện nhưng khi xe cẩu kéo được điều đến hiện trường thì chủ xe lại hợp tác làm việc với CSGT”, Thiếu tá Trần Quang Chinh nói. 

Việc cẩu kéo xe chỉ áp dụng khi lực lượng chức năng phát hiện xe vi phạm nhưng chủ xe không có mặt.

Về quá trình cẩu kéo phương tiện, trước khi tiến hành cẩu xe, lực lượng chức năng phải niêm phong, lập biên bản ghi nhận hiện trạng… Trong khi cẩu kéo phải đảm bảo an toàn, không bị hỏng hóc, bị thất lạc, bị mất phương tiện của người vi phạm.

“Trong thời gian cẩu, tạm giữ phương tiện, nếu để xảy hỏng hóc thì người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ đó phải chịu trách nhiệm bồi hoàn theo quy định pháp luật”,  Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 thông tin.

Với hành vi dừng ô tô ở nơi có biển cấm dừng xe và đỗ xe, chủ phương tiện sẽ bị xử phạt từ 400.000-600.000 đồng được quy định tại điểm h khoản 2 điều 5 Nghị định 100/NĐ-CP. 

Hành vi đỗ xe nơi có biển cấm đỗ xe hoặc biển cấm dừng xe và đỗ xe, chủ phương tiện sẽ bị phạt từ  800.000 - 1 triệu đồng.