Thế là cô bé Nguyễn Thị Hồng P - nữ sinh bị nhóm bạn học đánh tàn bạo, tung clip lên mạng trong mấy ngày qua tại Trà Vinh - đã có một cái kết, trước mắt, là có hậu cho câu chuyện đau buồn của mình. Ngày hôm nay em đã lên Sài Gòn nhập học trường quốc tế, với chi phí học tập, ăn ở được trường đài thọ cho tới hết lớp 12.
Trong khi đó, 9 học sinh, không lâu trước đó còn là bạn học của P, và là thủ phạm gây ra vụ việc này, cũng đã chính thức nhận mức kỷ luật cho hành vi bạo lực của mình.
Án kỷ luật nặng nhất là buộc thôi học một tuần, chứ không phải một tháng hay một năm, hay đưa đi trường giáo dưỡng… như những đòi hỏi gay gắt của dư luận khi câu chuyện bùng phát.
Như vậy, trên giấy tờ, chỉ có 3 học sinh phải nghỉ học một tuần. Nhưng trên thực tế, “cửa” cho một vài em quay trở lại ngôi trường này dường như khá xa vời.
Bà ngoại của Trần Nguyễn Bình T. (nam sinh ném cả chồng ghế cuối clip) cho biết, khi hay tin T. tham gia đánh bạn, sợ quá, mẹ cháu đã đưa T, lên bàn giao cho bố.
Trong khi đó, Dương Thúy V (lớp trưởng) đã được mẹ về đưa đi từ hôm xảy ra vụ việc và không liên lạc lại với người thân ở Trà Vinh.
Việc các em có tiếp tục trở lại trường Lý Tự Trọng, hay đến một ngôi trường nào khác, hay bỏ luôn việc học hành… là dấu hỏi cho những người còn quan tâm đến vụ việc.
Chưa có ngôi trường nào lên tiếng sẽ dang tay đón nhận những học sinh này.
Thử tìm kiếm trên Google với từ khóa “trường nào nhận học sinh hư”, chỉ ra kết quả có 2 ngôi trường công khai nhận đối tượng học sinh cá biệt, là trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) và trường Phổ thông Nội trú - Viện nghiên cứu phát triển võ Việt Nam và Thể thao.
Các trường thường chỉ tự hào rằng không có học sinh hư, chẳng mấy trường tiết lộ hay tự hào về việc giúp bao nhiêu học sinh hư thành ngoan.
Theo luật bất thành văn, nếu một học sinh “có chuyện” tới mức không thể “cứu chữa”, sẽ có một cuộc gặp gỡ giữa ban giám hiệu và phụ huynh, với thảo thuận sau cùng được đưa ra thường là nhà trường sẽ sẵn sàng làm một bộ hồ sơ không đến nỗi quá xấu xí, để phụ huynh ôm đến trường khác xin chuyển cho con.
Với những học sinh đã trở thành những gương mặt “đình đám” thế này, nếu có muốn chuyển, hồ sơ sẽ ghi ra sao?
Trường quốc nội còn né tránh, thì trường quốc tế nào muốn đưa tay? Chưa nói tới việc học phí đắt đỏ, trường quốc tế còn luôn lọc đầu vào ở mức học lực và hạnh kiểm xếp loại khá trở lên, để giữ gìn hình ảnh cho nhà trường. Kể cả gia đình có điều kiện, học sinh cũng chưa chắc bước được chân qua cổng trường, nếu lỡ mang cái án đánh bạn.
Mọi người hay nói đến gia đình, nhà trường và xã hội có vai trò như nhau trong việc giáo dục học sinh. Nhưng rõ ràng có một điều là: Học sinh không được chọn cha mẹ - có em nào lại chọn cảnh nhà bố mẹ ly hôn, gia đình ly tán hay bạo lực? Xã hội cũng không hẳn là chốn bình an, trong lành cho các em tu dưỡng. Vì vậy, nhà trường mới là yếu tố quan trọng nhất để giúp hình thành nên nhân cách một con người, và thầy cô là những người được đào tạo kỹ càng để làm công việc đó.
Nếu cha mẹ hoảng sợ, xã hội lên án, nhà trường tảng lờ… những cô bé, cậu bé trót mang danh “cá biệt” liệu có thể trở nên tròn đầy như lứa tuổi trăng rằm mà các em đang tới ngưỡng?
Ngân Anh