“Sân khấu hóa lớp học”

Nhắc đến Thạc sĩ âm nhạc Thu Trang, giáo viên trường Tiểu học Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội), nhiều người nhớ đến gương mặt trẻ trung luôn tươi cười của chị. 

Thu Trang cho rằng, âm nhạc là bộ môn nghệ thuật của trình diễn. Bởi vậy, chị luôn khuyến khích các học sinh lên biểu diễn, sân khấu hoá lớp học cũng như giúp học sinh thi đua học thuộc bài. 

Vì vậy, Thu Trang đã trang trí lớp học của mình giống như một sân khấu nhỏ, có rèm, có bục biểu diễn, có ánh đèn,… giúp các em nhỏ quen dần với việc đứng trước đám đông. 

Sau mỗi tiết học, việc biểu diễn báo cáo không chỉ giúp các em củng cố bài mà còn giúp cả lớp rèn kỹ năng nghe nhạc, thói quen nghe nhạc văn minh, biết trật tự lắng nghe và vỗ tay hưởng ứng sau mỗi tiết mục. 

“Phần thưởng cho các con đôi khi đơn giản là những tràng pháo tay, những lời khen ngợi động viên khi con làm tốt, góp ý cho con cách xử lý câu nhạc, hơi thở sao cho gọn gàng, hoặc thi xem bạn nào trình bày tốt nhất sẽ được biểu diễn cùng cô giáo”, Thu Trang chia sẻ.

Thu Trang nhiệt huyết trong công tác giảng dạy.

Mỗi lần nhắc đến những học sinh bé nhỏ của mình, ánh mắt của Thu Trang luôn lấp lánh hạnh phúc và tự hào.

Không chỉ dạy học, Thu Trang còn có nhiều sáng kiến thúc đẩy niềm đam mê của học sinh. Sắp tới đây, “Cuộc thi thử thách 30 phút chinh phục bộ môn Piano” do chị và ban giám hiệu nhà trường tổ chức sẽ diễn ra. 

Tại cuộc thi này, các em sẽ làm quen với cây đàn và được biểu diễn một tiểu phẩm nho nhỏ, được quay video và chia sẻ lên website của nhà trường, fanpage của lớp. Video của bạn nào được nhiều lượt like, share sẽ được nhận quà tặng giá trị từ Trung tâm âm nhạc T’music của Thu Trang.

“Đây là chuỗi chương trình giúp các con có các trải nghiệm thực tế và là giải pháp đẩy mạnh hiệu quả hoạt động ngoại khoá cho các con. Đây cũng là cách để nâng tầm bộ môn Âm nhạc sánh vai cùng các bộ môn khác trong nhà trường; góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh”, chị Trang nói. 

Điều mà cô còn trăn trở là hiện nay có nhiều gia đình chỉ cho con học các môn học chính như toán, văn… Những môn học phụ như âm nhạc thường được xem như môn “giải trí”, thậm chí “học cho vui”. 

Để truyền cảm hứng cho học sinh, Thu Trang đã lồng ghép với mục tiêu tiết học, đổi mới phương pháp dạy học, từ cách dẫn nhập vào bài đến việc sáng tạo những câu chuyện phù hợp với từng nội dung tiết học.

Học sinh rất thích thú mỗi khi đến môn học âm nhạc của cô Trang.

“Có thể sắp xếp nội dung tiết học như một chuyến phiêu lưu cùng những nhân vật đáng yêu mà trong đó học sinh chính là những người dẫn chuyện, cũng là những người giải quyết các tình huống trong kịch bản của giáo viên. Hay hướng dẫn học sinh sáng tạo từ bài học. 

Ví dụ khi dạy bài hát Chú voi con ở Bản Đôn, sau khi học sinh học thuộc bài, giáo viên có thể gợi ý cho các con viết rap về Chú voi con. Điều này vừa giúp con khắc sâu bài học, vừa phát triển ngôn ngữ, lồng ghép tích hợp liên môn", Thu Trang chia sẻ.

Ngoài ra, chị cũng dùng các ứng dụng dạy học, sử dụng công nghệ trong giờ học một cách linh hoạt. Những trò chơi với âm thanh, vận động cùng âm nhạc với những động tác bắt kịp các “trend” của giới trẻ cũng giúp các em phát triển kỹ năng nghe một cách nhẹ nhàng và hiệu quả.

Định hình phong cách, thẩm mỹ âm nhạc cho trẻ

Để âm nhạc ảnh hưởng tích cực đến đời sống tinh thần và tâm hồn trẻ trong quá trình trưởng thành, thạc sĩ Thu Trang cho rằng, giáo viên có vai trò hết sức quan trọng trong việc định hình phong cách, thẩm mỹ âm nhạc. Tuy nhiên, phụ huynh mới là những người thầy tốt nhất cho con.  

Thu Trang luôn dành thời gian trao đổi, gợi ý cũng như nhờ các bố mẹ cùng con tìm hiểu về thần tượng âm nhạc, các xu hướng âm nhạc hiện nay, cùng nhau trao đổi và dự đoán những phong cách, trào lưu âm nhạc sắp tới theo dòng chảy lịch sử âm nhạc thế giới và Việt Nam. 

Từ đó, bố mẹ có thể chia sẻ những điều tích cực từ các ngôi sao để con có thể học tập, hướng các con đến những nghệ sĩ chân chính, những xu hướng âm nhạc tích cực. 

Phụ huynh cũng cực kỳ hưởng ứng những hoạt động của Thu Trang dành cho lớp từ việc chuẩn bị, sắp xếp đến lên lịch luyện tập - tổng duyệt - biểu diễn - thu âm - ghi hình. Trân trọng những giây phút con được hoạt động là động lực để Thu Trang cố gắng cho những hoạt động liên tiếp.

“Tuổi thơ của các con rồi sẽ qua nhanh, chỉ có những hình ảnh đẹp trong ký ức là còn mãi theo năm tháng. Tôi tự hào vì được cùng các phụ huynh thắp lại lửa thanh xuân thật rực rỡ, bởi nhờ có âm nhạc kết nối những tâm hồn yêu trẻ.

Tôi luôn nhắc nhở mình hãy thật cố gắng để đem lại những khoảnh khắc đẹp nhất cho các con, làm sao để đến khi con lớn rồi vẫn luôn nhớ đến ngôi trường này, nhớ tới lớp Piano cô Trang như một nơi hội ngộ những tâm hồn thuần khiết”, Thu Trang chia sẻ.

Lớp học âm nhạc giống như một sân khấu nhỏ.

Và ngược lại, chính các học trò cũng đã tạo cho cô Thu Trang “nguồn sống”. Nhìn những ánh mắt lấp lánh, nghe những thanh âm trong trẻo ngây thơ của học trò, Thu Trang thêm nhiều cảm hứng và gắn bó với nghề.

Vịnh Nhi