Thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, tên tiếng Anh là “One commune one product”, gọi tắt là OCOP. Đây có thể coi là một chương trình nhằm tạo đột phá trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ nông dân, thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết số26 -NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1166/QĐ- UBND ngày 29-4-2020 về việc phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, với các nội dung: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc triển khai thực hiện chương trình OCOP; lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh. Xây dựng hệ thống tổ chức và nhân sự thực hiện chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở, triển khai thực hiện chu trình OCOP thường niên gồm 6 bước (tuyên truyền, hướng dẫn; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án/dự án sản xuất, kinh doanh; triển khai phương án/dự án sản xuất, kinh doanh; đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện, tỉnh, quốc gia; xúc tiến thương mại) bảo đảm nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”.
Đặc sản trái cây của tỉnh Bình Dương. |
Chương trình OCOP đưa ra mục tiêu giai đoạn 2018-2020 cụ thể là xây dựng hệ thống quản lý, thực hiện chương trình OCOP đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã. Ban hành và áp dụng cơ chế, chính sách đồng bộ để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP trên phạm vi cả tỉnh. Trong năm 2020, có ít nhất 30 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng đạt 3 sao trở lên, được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Triển khai thực hiện tốt chương trình OCOP là một hướng đi tất yếu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Ngoài ra, thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tận dụng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn tỉnh nhà theo hướng bền vững.
Lợi thế của Bình Dương khi triển khai chương trình OCOP là phần lớn các sản phẩm chủ lực đã được các địa phương xúc tiến đăng ký các sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP, tập trung ở 6 nhóm sản phẩm chính (thực phẩm; đồ uống; dược liệu; vải và may mặc; trang trí, nội thất, lưu niệm; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch). Đối với nhóm sản phẩm trồng, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản tập trung chủ yếu vào một số sản phẩm đặc trưng như bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, rượu bưởi, cam sành, chuối, măng cụt, hoa lan, sơn mài, gốm sứ, chạm trổ điêu khắc…
Qua điều tra, khảo sát, toàn tỉnh có 53/91 đơn vị xã, phường, thị trấn có đề xuất sản phẩm và chủ thể tiềm năng, phù hợp tiêu chí tham gia chương trình OCOP. Theo kết quả thống kê được 4 sản phẩm tiềm năng 4 sao, 30 sản phẩm tiềm năng 3 sao, 75 sản phẩm tiềm năng 1 - 2 sao. Phát triển sản phẩm dịch vụ có 54 loại sản phẩm với 109 chủ thể được đề xuất, chia theo 5 nhóm sản phẩm; trong đó, nhóm thực phẩm có 27 loại sản phẩm; nhóm đồ uống có 2 loại sản phẩm; nhóm dược liệu có 5 loại sản phẩm; nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí có 17 loại sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng có 3 loại sản phẩm.
OCOP đã tạo nên một sự bứt phá trong lĩnh vực “tam nông”
Với Bình Dương, trên cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới, từ OCOP đã tạo nên một sự bứt phá trong lĩnh vực “tam nông”. Thực tế đã cho thấy, mặc dù diện tích sản xuất và tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế có xu hướng giảm, nhưng con số tuyệt đối trong lĩnh vực này lại tăng cao, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Bình Dương là một trong những địa phương tiêu biểu trong cả nước. Đời sống của người nông dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, xuất hiện nhiều “tỷ phú chân đất”. Quan trọng hơn, OCOP đã tạo động lực để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp, với việc hình thành các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái, huyện Phú Giáo); truyền “cảm hứng” để những người nông dân hình thành nên những hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng khoa học, công nghệ; xây dựng nên những thương hiệu: Bưởi Bạch Đằng hay cam, quýt Hiếu Liêm… và duy trì, phát triển, nâng tầm các thương hiệu nông sản đặc trưng tại vùng cây ăn trái truyền thống như Lái Thiêu, gắn với phát triển du lịch…
Trong Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 – 2020 đưa ra những nội dung và phân công thực hiện cụ thể cho từng đơn vị trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ các tổ chức kinh tế, cộng đồng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, tiêu chuẩn hóa, đăng ký công bố chất lượng sản phẩm; tổng hợp đề xuất nhiệm vụ khoa học, công nghệ hàng năm liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt thep quy định; hỗ trợ các địa phương đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP, tư vấn định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số mã vạch; chủ trì thực hiện các chính sách hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực phụ trách; tham gia Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo Quyết định thành lập hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng OCOP đã tạo nên một động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực nông thôn; tạo sức bật trong quá trình xây dựng nông thôn mới; đặc biệt là khai thác được thế mạnh của từng địa phương với những nét đặc trưng và sản phẩm truyền thống. Và đương nhiên, OCOP mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Bích Hạnh