Công tác thông tin, tuyên truyền, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các chính sách giảm nghèo được chính quyền xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang quan tâm triển khai. Là một xã thuần nông, kinh tế nông nghiệp là chủ lực, thời gian qua, xã tập trung tuyên truyền, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân; khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Hằng năm, xã tổ chức các buổi đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để hỗ trợ phù hợp, đúng đối tượng, giúp các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.
Việc đa dạng hình thức tuyên truyền trên địa bàn xã giúp hộ nghèo nắm được thông tin, chủ động tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Đáng kể, thông qua hệ thống truyền thanh xã và sinh hoạt các đoàn thể, hội viên, đoàn viên, nhân dân tiếp cận các dự án hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, điển hình là chính sách vay vốn. Toàn xã có 13 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ hơn 20 tỷ đồng, giúp 617 thành viên vay với các chương trình: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...
Truyền thông hiệu quả tiếp cận chính sách để thoát nghèo
Trong 3 năm qua, xã Mỹ Thành Bắc thực hiện 3 dự án nuôi heo và nuôi bò sinh sản với việc được hỗ trợ con giống và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Có 32 hộ tham gia các dự án, nhiều gia đình đã tiếp cận để từ đó chủ động vươn lên như gia đình anh Nguyễn Văn Tám ở ấp 5.
Anh Tám cho biết, trước đó vợ chồng anh làm thuê đủ nghề, thu nhập rất bấp bênh, nay tiếp cận được dự án đã phấn đấu để vươn lên thoát nghèo. Gia đình anh tận dụng đất trống quanh nhà làm chuồng trại và nguồn cỏ trong tự nhiên để chăn nuôi; tập trung chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh. Quá trình nuôi, gia đình cũng được sự quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ xã. Nhờ vậy, mô hình thực hiện thuận lợi, hiệu quả, bò phát triển khỏe mạnh.
Ngoài hỗ trợ phát triển sản xuất, xã Mỹ Thành Bắc cũng thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo như hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, tiền điện sinh hoạt hàng tháng, miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, trợ cấp xã hội hằng tháng…
Từ các giải pháp phù hợp, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Mỹ Thành Bắc giảm dần theo từng năm. Đến cuối năm 2024, xã còn 17 hộ nghèo (tỷ lệ 0,8%), 22 hộ cận nghèo (tỷ lệ 1,03%).
Hiệu quả công tác truyền thông chính sách giảm nghèo đã thay đổi nhận thức của hộ nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; không chỉ tạo động lực vươn lên của các hộ gia đình, mà còn thúc đẩy xây dựng quê hương.
Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Bắc Bùi Văn Phục cho biết, địa phương sẽ tiếp tục truyền thông, phổ biến các chính sách về giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững để người dân nâng cao nhận thức và hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình. Từ đó, mỗi người tích cực lao động sản xuất, ổn định đời sống và nâng cao thu nhập gia đình. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá để tránh xảy ra hiện tượng tiêu cực trong triển khai, thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Từ các chính sách hỗ trợ và ý thức vươn lên của từng gia đình, số hộ nghèo trên địa bàn huyện Cai Lậy giảm dần qua từng năm. Năm 2024, huyện Cai Lậy có 104 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm còn 0,71%, hộ cận nghèo 1,77%.
Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cai Lậy Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, từ đầu năm, phòng chủ động tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và giao chỉ tiêu cho từng xã, thị trấn. Đồng thời, tập trung thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình gắn với chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, giúp người dân tiếp cận thông tin về các chính sách hỗ trợ của nhà nước…
"Cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể thường xuyên động viên, hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện giúp họ thoát nghèo bền vững, tránh tình trạng tái nghèo", bà Thúy nói.