Đầu tháng này, Apple đã tiết lộ máy tính bảng iPad Air thế hệ thứ tư, khiến nó trở thành thiết bị tiêu dùng đầu tiên được chính thức công bố sử dụng chipset A14 Bionic tiến trình công nghệ 5nm. Dòng chipset mới này cũng sẽ được sử dụng cho các sản phẩm iPhone 12 của Apple, dự kiến sẽ được ra mắt vào ngày 13 tháng 10 tới.
Trong khi đó, chipset A13 Bionic đang được sử dụng hiện nay đều được sản xuất trên tiến trình 7nm. Như chúng ta đã biết, số tiến trình công nghệ càng thấp thì số lượng bóng bán dẫn càng cao, điều này làm cho chipset mạnh hơn và tiết kiệm năng lượng hơn. Ví dụ, chipset A13 Bionic chỉ chứa 8,5 tỷ bóng bán dẫn, trong khi chipset A14 Bionic chứa tới 11,8 tỷ bóng bán dẫn.
TSMC đẩy nhanh lộ trình sản xuất chipset tiến trình 3nm và 2nm |
Trong những năm qua, mật độ bóng bán dẫn chứa trong 1mm2 đã tăng gần gấp đôi mỗi năm. Với việc phát hành chipset tiến trình 5nm trong năm nay, TSMC đang lên kế hoạch sẽ sản xuất số lượng lớn chipset tiến trình 3nm vào năm tới. Theo dự báo của Digitimes, TSMC sẽ sản xuất 55.000 tấm wafer với tiến trình 3nm mỗi tháng vào nửa cuối năm 2022. Đến năm 2023, con số này sẽ tăng lên gần gấp đôi với 100.000 tấm wafer mỗi tháng.
Cả TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc là hai nhà máy đúc bán dẫn lớn nhất trên thế giới, đều đang có kế hoạch hướng tới tiến trình 2nm. Theo các nguồn tin trong ngành công nghiệp bán dẫn thì TSMC đang có lộ trình đẩy nhanh so với kế hoạch trong việc sản xuất chipset tiến trình 2nm của mình.
Tháng trước, trong hội nghị trực tuyến, TSMC cho biết, họ đang hợp tác chặt chẽ với một khách hàng lớn để đầu tư một khoản tiền lớn cho việc phát triển chipset tiến trình 2nm và có vẻ như điều này đang mang lại hiệu quả cho công ty. Mặc dù, họ không công bố công khai khách hàng đó là ai nhưng với danh sách khách hàng của xưởng đúc bao gồm các công ty công nghệ hàng đầu, bất kỳ ai trong số họ đều có thể là công ty bí ẩn thúc đẩy TSMC phát triển chipset tiến trình 2nm trước thời hạn.
Năm ngoái, Huawei là khách hàng lớn thứ hai của TSMC chỉ sau Apple, tuy nhiên đến nay gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã không còn có thể nhận được nguồn chipset do TSMC sản xuất vì lệnh trừng phạt của Mỹ. Lệnh cấm này áp dụng đối với tất cả các xưởng đúc sản xuất chipset Kirin của nhà sản xuất Trung Quốc sử dụng công nghệ sản xuất của Mỹ. Và điều này khiến các nhà bán lẻ điện thoại ở Trung Quốc tăng mạnh giá bán các dòng sản phẩm sử dụng chipset Kirin hiện tại của Huawei.
Trong hơn một năm rưỡi qua, các hành động của chính phủ Mỹ đã buộc Huawei phải tìm kiếm sự thay thế cho các Dịch vụ di động của Google, bao gồm cả phiên bản được cấp phép của Android và các ứng dụng Android của Google. Hầu hết các ứng dụng này, như Google Search, Gmail, Chrome, Google Maps và Google Drive đều bị cấm ở Trung Quốc. Nhưng việc không thể cài đặt các ứng dụng này trên các phiên bản điện thoại quốc tế của Huawei có thể đã tác động tiêu cực đến doanh số bán các mẫu điện thoại của Huawei bên ngoài thị trường Trung Quốc.
Phan Văn Hòa (theo PhoneArena)
Mỹ trừng phạt hãng chip lớn nhất Trung Quốc
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu với SMIC, nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Trung Quốc.