Bên lề hội nghị khoa học Dược lâm sàng lần 2 tại BV Bạch Mai sáng 26/6, TS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh đã có phần mềm sử dụng thuốc, quản lý thuốc như phần mềm kê đơn điện tử, phần mềm quản lý xuất – nhập thuốc, phần mềm quản lý thuốc thanh toán BHYT...
Tuy nhiên, mỗi bệnh viện một phần mềm, không thống nhất, không đồng bộ. Riêng các bệnh viện hạng 2, 3, bệnh viện tuyến huyện, rất ít nơi sử dụng phần mềm kê đơn thuốc điện tử.
TS Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
Cũng do việc kê đơn chưa đồng bộ, chưa được giám sát chặt nên từ đầu năm nay, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan thí điểm phần mềm kê đơn điện tử quốc gia tại Hưng Yên và Hà Tĩnh.
Toàn bộ đơn thuốc đã kê của 2 tỉnh này đều được gửi lên đơn thuốc điện tử quốc gia và các cấp quản lý; các cơ sở cũng cũng nhận được đơn thuốc qua hệ thống điện tử và tiến hành bán thuốc theo đơn.
Mỗi bệnh nhân có một mã đơn thuốc của riêng mình, có thể trình mã này để mua thuốc tại tất cả nhà thuốc trên toàn quốc.
Người dân cũng có thể truy xuất được bác sĩ đã kê đơn cho mình, nếu phát hiện sai sót có thể kiến nghị, phản hồi xin tái kê đơn. Bệnh nhân và bác sĩ cũng nhận được các cảnh báo về các loại thuốc cấm, thuốc quá hạn, thuốc phải tái khám.
Ngoài ra, ông Thái cho biết, dược sĩ lâm sàng của các bệnh viện sẽ tham gia rà soát các đơn thuốc điện tử để kịp thời phát hiện các sai sót của bác sĩ kê đơn như: Kê không đúng hướng dẫn, không đúng phác đồ, phát hiện các loại thuốc có tương tác, chống chỉ định, phát hiện các đơn thuốc lạm dụng kê nhiều kháng sinh, kê thêm thực phẩm chức năng…
“Cuối năm nay, Bộ Y tế sẽ có đánh giá toàn diện và từ 1/1/2021 sẽ áp dụng kê đơn điện tử toàn quốc”, ông Thái nói.
Theo ông Thái, thực tế trong quá trình kê đơn cho bệnh nhân, có những bác sĩ ít cập nhật, không biết được tương tác giữa các thuốc dẫn đến nhiều trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc bị tai biến hoặc lạm dụng kê thực phẩm chức năng khiến người dân bị móc túi.
Khi có dược lâm sàng cùng tham gia vào, dược sĩ sẽ đọc lại đơn, phát hiện các điểm bất thường để giúp bác sĩ điều chỉnh, đảm bảo dùng thuốc cho người bệnh an toàn, hiệu quả và hợp lý.
Ông Thái cũng kỳ vọng, phần mềm kê đơn triển khai toàn quốc sẽ loại bỏ được hoàn toàn các bất cập trên. Nếu cơ quan quản lý phát hiện ra sai sót trong việc kê đơn, sẽ truy trách nhiệm đến lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa dược.
Trong thời điểm chưa có phần mềm kê đơn điện tử quốc gia, một số bệnh viện lớn đã có sự tham gia vào cuộc rất sâu của các dược sĩ dược lâm sàng giúp bác sĩ kê đơn trúng và đúng.
Đơn cử tại BV Bạch Mai, năm 2015 có dưới 100 đơn ca bệnh có dược lâm sàng tham gia, đến nay con số này đã tăng lên hơn 700 ca.
Thúy Hạnh
Bác sĩ BV K lên tiếng về đơn thuốc ung thư gần 130 triệu
- Bác sĩ điều trị khẳng định, đơn thuốc gần 130 triệu của bệnh nhân ung thư vú là đúng phác đồ. Bệnh nhân có điều kiện và hoàn toàn tự nguyện để điều trị.