- Từ một chàng trai xứ Nghệ thi tốt nghiệp cấp 3 chỉ đạt 3,5 điểm môn tiếng Anh, Linh hoàn thành bậc đại học ở New Zealand và tốt nghiệp Thạc sĩ ở một trường của Séc. Hiện tại, chàng trai sinh năm 1989 đang làm việc ở chi nhánh Singapore của một công ty đa quốc gia về phân tích dữ liệu truyền thông xã hội.

{keywords}
Nguyễn Phan Linh, chàng trai sinh năm 1989 hiện đang làm việc cho chi nhánh Singapore của một công ty đa quốc gia. Ảnh: NVCC

Khi đang học năm thứ nhất của một trường ĐH tại Hà Nội, được bố khuyến khích và truyền cảm hứng, Nguyễn Phan Linh bắt đầu tập trung học tiếng Anh để tìm cơ hội xin học bổng du học.

Linh kể, “em vẫn còn nhớ là lúc thi tốt nghiệp THPT em chỉ được có 3,5 điểm tiếng Anh”. Bắt tay ngay vào học tiếng Anh, Linh xác định để học nhanh và hiệu quả, ngoài từ mới và ngữ pháp, em cần phải luyện nói thật nhiều.

Sau khi học xong năm nhất, Linh nhận được học bổng Japan-New Zealand Partnership Foundation Scholarships, chi trả khoảng 80% học phí và sinh hoạt phí. Chàng trai sinh năm 1989 theo học tại trường International Pacific College (hiện đã đổi tên thành Institute of the Pacific United) tại New Zealand.

Trong những năm học đại học, Linh xin vào thực tập ở Westpac – một trong những ngân hàng lớn nhất khu vực Australia và New Zealand. Ở đây, em được thực tập và áp dụng những kiến thức được học trên trường về mảng tài chính và ngân hàng.

Ngoài việc nỗ lực học tập, Linh cũng tham gia nhiều hoạt động của trường nhằm tăng kỹ năng giao tiếp, mở rộng mối quan hệ và trải nghiệm văn hóa bản địa. Chàng trai năng động này từng là chủ tịch hội sinh viên Việt Nam của trường, đạt giải Nhất cuộc thi hùng biện của trường, được vinh danh là sinh viên của năm tại IPU 2010, giành giải thưởng Cống hiến cho cộng đồng tại IPU 2010.

{keywords}
Linh và các đồng nghiệp ở Socialbakers. Ảnh: NVCC

Sau khi tốt nghiệp đại học, Linh được nhận vào làm việc ở Bộ Phát triển Xã hội của New Zealand. Ở đây, chàng trai xứ Nghệ làm về mảng phân tích và hỗ trợ tài chính. Nhưng muốn tự thử thách bản thân nhiều hơn, Linh tiếp tục sang châu Âu để tìm kiếm cơ hội mới.

Tốt nghiệp Thạc sĩ, ĐH Kinh tế Prada (Séc), em vào làm cho một công ty khởi nghiệp từ Slovakia có trụ sở chính tại Cộng hòa Séc.

“Ở đây, em phụ trách mảng marketing, sale và huy động đầu tư. Trải nghiệm ở đây giúp em phát hiện thêm những điểm mạnh của bản thân như: khả năng truyền cảm hứng, thuyết phục các nhà đầu tư, nói chuyện trước đám đông”. Và lúc rời công ty này, Linh đã giúp huy động được số vốn 80.000 euro.

Tiếp tục làm giàu trải nghiệm của mình, Linh đầu quân cho một công ty phần mềm lớn của châu u – SAP, có trụ sở tại Séc. Cơ hội này giúp Linh biết thêm về văn hóa, cách thức làm việc của những công ty hàng đầu thế giới.

Sau đó, với mong muốn được tiếp tục làm việc trong mảng marketing và sales, Linh quyết định xin vào một công ty phân tích dữ liệu truyền thông xã hội Socialbakers. Ban đầu, khi vẫn đang sống ở Séc, Linh gửi hồ sơ xin cho một vị trí ở Singapore của công ty này, em đã bị từ chối. Nhưng ngay sau đó, Linh đã email lại và phân tích rằng em là người châu Á đã có cơ hội học tập, sinh sống và làm việc tại các nước phát triển trên thế giới, mà vị trí đó lại dành cho văn phòng tại Singapore, nên em có thể làm cầu nối cho công ty tại thị trường châu Á.

“Em xin họ cho em một cơ hội để nói chuyện. Và may mắn đã mỉm cười với em, em được nhận vào làm sau khi vượt qua được 4 vòng phỏng vấn. Sau khi được đào tạo tại CH Séc 4 tháng thì tháng 8 năm 2015, em được chuyển về Singapore giúp công ty phát triển thị trường khu vực châu Á”.

Được trải nghiệm văn hóa của nhiều quốc gia khác nhau, Linh cho rằng đó là một may mắn giúp em học hỏi, giao lưu, trau dồi hiểu biết, cũng là cơ hội để khám phá những nền văn hóa khác nhau, những con người và tính cách khác nhau.

{keywords}

Tuy nhiên, Linh cho biết, thời gian đầu khi làm quen với một môi trường mới em cũng gặp nhiều bỡ ngỡ. “Ban đầu, khi mới sang New Zealand, em không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng thay vì khép kín mình, em đã cố gắng hòa nhập với môi trường học, tham gia câu lạc bộ bóng chuyền của trường, tham gia hội sinh viên, hội du học sinh người Việt… Những hoạt động này cho em cơ hội giao tiếp và tương tác không chỉ với các bạn quốc tế mà còn với các sinh viên bản địa”.

Sau 3 tháng đặt chân lên đất New Zealand, em đã mạnh dạn xin đi làm thêm ở một siêu thị gần trường, mặc dù ngày đó vốn tiếng Anh của em còn kém và có một số bạn có ý kiến rằng, khả năng được nhận là rất thấp. “Nhưng mà em cũng cứ nộp đơn vào. Vì mình không nộp đơn thì làm sao mà biết được chọn hay không. Có được một công việc như vậy làm cho em hiểu thêm về giá trị của lao động. Hơn nữa, em lại được trau dồi khả năng tiếng Anh, khả năng giao tiếp với người bản ngữ”.

Ấn tượng của Linh với New Zealand là người dân cởi mở, thân thiện, khí hậu tuyệt vời cả 4 mùa. Còn với Séc, người dân dè dặt hơn khi tiếp xúc với người lạ nhưng khi đã quen nhau, họ sẽ giúp đỡ rất ân tình. Trong khi đó, ở Singapore, chàng trai năng động này lại được tiếp xúc với môi trường đa văn hóa. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới: Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Ấn Độ… từ rất nhiều tôn giáo cùng sinh sống, làm việc và tôn trọng lẫn nhau.

Không chỉ nỗ lực làm giàu trải nghiệm của bản thân, Linh là một trong 3 bạn trẻ đang thực hiện dự án “Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới”. Mục đích của dự án là nhằm truyền cảm hứng, giúp đỡ, định hướng các bạn trẻ Việt Nam dám thử thách bản thân, tìm cơ hội học tập và làm việc ở thế giới rộng lớn ngoài kia.

Mới đây, Linh và nhóm của mình rất vui khi cuốn sách “Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới” được ra mắt với sự chào đón của nhiều độc giả trẻ trong nước. Từ Singapore, Mỹ và Thượng Hải, 3 tác giả trẻ đã trở về Việt Nam để giới thiệu và chia sẻ nhiều điều thú vị trong những cuộc hành trình khám phá, học tập và làm việc của mình.

  • Nguyễn Thảo