Không chỉ là quê hương của sâm Ngọc Linh - loài dược liệu quý hiếm đã trở thành sản phẩm Quốc gia, huyện Tu Mơ Rông còn là xứ sở của các loại dược liệu có giá trị như Hồng đẳng sâm (Sâm dây), Đương quy, Ngũ vị tử.... 

W-vuonsam-1.png
Vườn sâm Ngọc Linh dưới tán rừng Tu Mơ Rông (ảnh minh hoạ)

Trao 12.000 cây sâm giống Ngọc Linh cho 300 hộ nghèo ở huyện Tu Mơ Rông

Ngày 13/12, Ủy ban Nhân dân huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đã tổ chức cấp phát 12.000 cây sâm giống Ngọc Linh mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao tặng cho 300 hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh cho biết Sâm Ngọc Linh từ một cây thuốc giấu của bà con đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải xây dựng là sản phẩm quốc gia.

Khi nhận sâm, 300 hộ dân được các cán bộ của xã, huyện, Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum cùng các chuyên gia hướng dẫn trồng sâm tập trung dưới tán rừng và kỹ thuật chăm sóc để đạt tỷ lệ sống cao nhất.

Ủy ban Nhân dân huyện Tu Mơ Rông đã phân công cán bộ nông nghiệp thường xuyên túc trực với dân để chăm sóc vườn sâm giống này. Khi sâm lớn, cho hạt, người dân có thể thu hái để nhân giống, từ đó mở rộng vườn sâm của riêng mình.

Huyện còn chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giúp 300 hộ xây dựng quy chế quản lý người ra vào, chăm sóc khu vực trồng sâm Ngọc Linh nhằm giúp sâm được bảo vệ tốt.

Trước đó, vào tháng 8/2023, trong chuyến công tác đến huyện Tu Mơ Rông, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tặng 12.000 cây sâm nói trên cho 300 người dân nghèo Tu Mơ Rông. Đây là món quà to lớn, giúp người dân có thêm điều kiện trồng sâm, từ đó vươn lên thoát nghèo.

Chuyển đổi từ trồng cây mì sang trồng sâm dây để nâng cao thu nhập

Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển dược liệu để giúp đồng bào dân tộc thiểu số địa phương giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu đã được huyện xác định và tập trung nguồn lực thực hiện.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu tại địa bàn tỉnh, từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, huyện Tu Mơ Rông có 360 ha đất rừng và 430 ha đất trống được quy hoạch phục vụ phát triển cây dược liệu. 

Đón đầu cơ hội, trên địa bàn huyện đã có nhiều hợp tác xã nông nghiệp. Hiện toàn huyện Tu Mơ Rông có 28 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012 với tổng vốn điều lệ hơn 152 tỷ đồng cùng tổng số thành viên là 428 người. Các hợp tác xã trên địa bàn huyện đều khai thác tốt lợi thế, tiềm năng của địa phương, tích cực liên kết sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân, xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất-kinh doanh ngày càng ổn định, đi vào chiều sâu.

Thời gian qua, được chính quyền địa phương vận động nhiều bà con ở thôn Tu Mơ Rông đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi từ việc trồng cây mì sang trồng sâm dây để nâng cao thu nhập.

Chuyện làm giàu từ sâm của đồng bào Xơ Đăng, không còn là chuyện lạ. Hiện, có đến 80% hộ dân Tu Mơ Rông trồng sâm dây, và hàng trăm hộ trồng sâm Ngọc Linh. 

Là người địa phương nên chị Y H Lạng, Làng Pu Tá, xã Măng Ri hiểu biết về tác dụng của Sâm dây đối với sức khỏe con người. Hơn 10 năm trước, khi người dân ở đây khai thác ồ ạt, chị cũng vào rừng đào củ sâm. Củ to chị  bán, củ nhỏ chị mang lên rẫy trồng với mục đích vừa để bảo tồn giống cây quý này, vừa gây dựng vườn Sâm dây để có thu nhập ổn định lâu dài. Chị vừa trồng thành khu riêng, vừa trồng xen trong khu rừng thông, lúa rẫy, nhờ vậy, đến nay, gia đình chị đã phát triển được gần 1ha Sâm dây. Hàng năm chị có thu nhập trên 100 triệu từ Sâm dây.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Y Hlạng còn vận động bà con trong làng cùng trồng Sâm dây để xóa đói giảm nghèo. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ Sâm dây của gia đình chị Y HLạng, dân làng đã tin tưởng và làm theo, đến nay cả một vùng đồi gần làng Pu Tá, xã Măng Ri đã phủ xanh cây Sâm dây.

Từ 4 năm nay, chị Y Gian (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) tham gia vào hợp tác xã cộng đồng phụ nữ Đắc Viên, nhờ đó đã giúp nâng giá trị những cây sâm dây do gia đình chị trồng được.

Chị Y Gian khẳng định, khi chuyển đổi cây trồng từ cây mì sang cây sâm dây, các sản phẩm được hợp tác xã thu mua, chế biến thành cao sâm, mứt mang lại giá trị kinh tế cao hơn. 

A Blinh đang làm việc cho Hợp tác xã Thảo dược cộng đồng Tu Mơ Rông, công việc hằng này là ươm và chăm sóc sâm dây giống. Làm việc tại đây, A Blinh được đóng bảo hiểm và trả lương 5 triệu đồng/tháng, hơn nữa A Blinh còn được hỗ trợ giống sâm dây, máy móc công nghệ để trồng. HTX cũng đảm bảo thu mua sản phẩm nên ngại gì mà không trồng.

Dùng chiếc máy cày bừa của HTX, anh A Blinh cày tơi đám đất đã trồng mì nhiều năm trước để chuyển sang trồng sâm dây. Theo anh A Blinh, vườn mì 2 năm của gia đình anh vừa rồi chỉ thu được gần 15 triệu đồng. Nhưng với diện tích hơn 7 sào trồng cây sâm dây, nhiều gia đình đã thu hơn 50 triệu đồng.

Hợp tác xã Thảo dược cộng đồng Tu Mơ Rông tại xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) được thành lập vào tháng 4/2022, với 16 thành viên, đa số là người DTTS ở thôn Tu Mơ Rông (xã Đăk Hà). Ngành nghề sản xuất-kinh doanh của hợp tác xã là ươm cây giống dược liệu, cây giống trồng rừng và thu mua, tiêu thụ, chế biến nông sản. 

Phát triển nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất-kinh doanh, Hợp tác xã Thảo dược cộng đồng Tu Mơ Rông đã xây dựng 2 vườn ươm cây giống sâm dây và thất diệp nhất chi hoa với tổng quy mô hơn 400.000 cây tại xã Đăk Hà và xã Tu Mơ Rông; đồng thời, liên kết với người dân ở xã Măng Ri để sản xuất các loại cây dược liệu.

Từ những lợi thế của cây Sâm dây, Nghị quyết của Đảng bộ huyện Tu Mơ Rông cũng đã xác định và chủ trương phát triển cây Sâm dây là một trong 7 loại cây trồng chủ lực cho phát triển kinh tế của huyện, là hướng thoát nghèo bền vững. 

Để hỗ trợ người dân phát huy lợi thế từ dược liệu và sâm Ngọc Linh, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, từ các nguồn vốn, huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng các mô hình kinh tế trồng sâm, dược liệu để dân tham gia sản xuất; ưu tiên nguồn vốn cho dân vay để đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, dược liệu. 

Hồng Anh