“Con nhất định phải là phi công”
Kể về cơ duyên đến với nghề phi công, Kenny cho biết hồi nhỏ, trong một lần được cha mẹ đưa đi du lịch bằng máy bay, anh bị cuốn hút và phấn khích khi thấy những chiếc tàu bay khổng lồ. “Tôi thích cảm giác tăng tốc trên đường băng lúc tàu bay cất cánh. Tôi tự hỏi siêu anh hùng nào đã điều khiển cỗ máy vĩ đại này. Tôi nhất định phải làm được như họ” - Kenny chia sẻ.
Tình yêu của Kenney đối với tàu bay hình thành từ đó và anh luôn phấn đấu học giỏi để cha mẹ thưởng cho những chuyến đi chơi xa vào mỗi kỳ nghỉ, cốt để được thỏa mãn cảm giác ngồi trên tàu bay.
Năm 15 tuổi, cậu học sinh trung học Kenny Tieu lấy hết can đảm để thuyết phục cha mẹ cho theo học trường phi công. “Đương nhiên là cha mẹ tôi không đồng ý. Cha mẹ sợ tôi sao nhãng việc học chính ở trường và chưa đủ trưởng thành để quyết định nghề nghiệp tương lai. Hơn nữa, học phí không hề nhỏ” - Kenny nhớ lại.
Nhưng Kenny đã trả lời cha mẹ: “Con nhất định phải là phi công!”. Từ đó, ngày nào anh cũng nhắc lại với cha mẹ về ước mơ của mình. Kenny nói: “Tôi tập trung học tập, duy trì thành tích ở trường để chứng minh với cha mẹ về sự nghiêm túc của bản thân. Đến một ngày, cha tôi bảo: “Được, cha sẽ ủng hộ ước mơ của con”. Lúc đó, tôi vỡ òa trong vui sướng”.
Bay “solo” ở tuổi 16
Được cha mẹ đồng ý, hằng ngày, từ 8-16h, Kenny học tại trường phổ thông như bao học sinh lứa tuổi 15 ở Bỉ. Sau khi về nhà, anh nhanh chóng ăn uống rồi tiếp tục lên tàu điện, tới Trung tâm đào tạo phi công châu Âu (EuroPilot Center) học chương trình lý thuyết đầu vào, bắt đầu hiện thực hóa ước mơ trở thành phi công.
Tài liệu học hoàn toàn bằng tiếng Anh, ngôn ngữ chung của hàng không toàn cầu. Thử thách với Kenny trong hai tháng đầu tiên là phải làm quen, ghi nhớ các thuật ngữ chuyên ngành. Kenny kể: “Tôi mang theo tài liệu ở trường bay đến lớp, ra chơi hay nghỉ giữa giờ, tôi tranh thủ ôn bài. Nhiều lúc say sưa quên cả thời gian. Một số kiến thức tưởng chừng sẽ không bao giờ áp dụng trong đời sống nhưng lại rất quan trọng trong hàng không”.
Từng là phi công tại Bỉ, Kenny Tiêu quyết định về Việt Nam đầu quân cho Vietjet |
Năm 16 tuổi, Kenny thực hiện chuyến bay “solo” đầu tiên, tự mình điều khiển chiếc Cessna 172. “Những cảm xúc thiêng liêng, quý giá đó sẽ không bao giờ trở lại. Trước đó, hầu như đêm nào tôi cũng mơ cùng một giấc mơ bay ấy” - Kenny hào hứng. Nhận bằng lái tàu bay tư nhân, Kenny Tieu trở thành phi công trẻ nhất tại Bỉ.
Từ năm 18-20 tuổi, Kenny được huấn luyện và nhận bằng phi công thương mại, sau đó anh bay tại Bỉ trong 2 năm tiếp theo. Năm 2015, Kenny Tieu sang Việt Nam, bắt đầu một trang hoàn toàn mới trong sự nghiệp chinh phục bầu trời của mình.
Kenny Tieu (phía trước) trong thời gian học tại Trung tâm Đào tạo phi công châu Âu tại Bỉ |
“An toàn” - bài học trọn đời của phi công
Khăn gói một mình đến Việt Nam lập nghiệp, Kenny Tieu bắt đầu học tiếng Việt bởi anh nghĩ đó là cửa ngõ bước vào một nền văn hóa. “Tôi là người Việt. Ở nhà, cha mẹ tôi nói tiếng Việt và cũng thường nấu món châu Á nên tôi không bị bỡ ngỡ. Tuy nhiên, tiếng Việt quả là ngôn ngữ khó nhất và thú vị nhất mà tôi từng được học” - Kenny chia sẻ.
Lí giải cho quyết định chọn Vietjet làm nơi làm việc, Kenny nói: “Vietjet là môi trường đa văn hóa, đa sắc tộc, quy tụ nhân lực từ khắp nơi trên thế giới đến làm việc. Sự thân thiện, trẻ trung, sôi nổi giúp tôi hòa nhập rất nhanh”.
Tờ báo De Standaar (Bỉ) đưa tin khi Kenny Tieu trở thành phi công trẻ nhất Bỉ |
Cũng trong năm 2015, Kenny Tieu sang Phillipines để huấn luyện bay chuyển loại sang tàu bay Airbus theo quy định của hãng trước khi chính thức làm việc. Hiện tại, Học viện Hàng không Vietjet đã có buồng lái giả định của Airbus nên việc kiểm tra định kỳ hoặc đào tạo bay chuyển loại cho phi công tiết kiệm rất nhiều thời gian và kinh phí cho phi công.
Kể về kỷ niệm đẹp nhất ở Vietjet, Kenny nhớ ngay đến chuyến bay anh đưa cha mẹ đi du lịch Hồng Kông trên tàu bay Vietjet. Trước đó, Kenny đã liên hệ bộ phận sắp xếp lịch bay cho phi công và xin được bay chuyến có cha mẹ mình. “Lúc phát thanh thông báo chuyến bay được thực hiện bởi cơ trưởng Kenny Tieu, tôi đã rất tự hào và cảm ơn cha mẹ đã tin tưởng vào quyết định của tôi” - cơ trưởng Kenny Tieu xúc động.
Kenny Tieu (bên phải) cùng một đồng nghiệp tại Vietjet |
Từ ngày còn là cậu học sinh đến trường bay, đi huấn luyện… cho đến lúc ra làm nghề, Kenny luôn ý thức rằng bài học trọn đời của phi công nằm ở hai chữ “an toàn”. Để làm được điều đó, anh thường xuyên duy trì cùng lúc 4 điều: kiến thức, sức khỏe, tinh thần và phẩm chất. Kenny giải thích: “Tôi thường xuyên chơi thể thao. Khi sức khỏe ổn định, tâm trạng thoải mái, nguồn năng lượng tích cực mới được sinh ra. Khi đó, khả năng học hỏi, tập trung, sức bền mới phát huy hết năng suất để có những chuyến bay an toàn”.
Kenny hiện là phi công của Hãng Hàng không Vietjet. Anh có thể giao tiếp tốt bằng 5 ngoại ngữ gồm tiếng Hà Lan, Pháp, Anh, Hoa và tiếng Việt. Kenny cho biết có những lúc, mọi thứ trong cuộc sống như đảo lộn vì một ngày anh phải tiếp nhận cả 5 ngôn ngữ. “Điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức của tôi trong công việc tương lai lẫn cuộc sống. Chỉ cần có đam mê, quyết tâm và mục đích rõ ràng trong cuộc sống, bạn có thể làm được nhiều hơn mình nghĩ” - Kenny nói. |
Xuân Thạch