- Anh Duy Hào kể, sau khi về Hà Nội, ông nội anh - người cắt tóc cho vua Bảo Đại đã dùng số vốn tích góp được để mua một loạt nhà trên phố lớn, mở chuỗi cửa tiệm cắt tóc quy mô nhất Hà Nội thời bấy giờ.

Chữ "Nhẫn" của nghệ nhân Phan Duy Hiền

Theo lời anh Phan Duy Hào, cháu nội của nghệ nhân cắt tóc Phan Duy Hiền, cụ Hiền phục vụ cho vua Bảo Đại đến ngày vua trao kiếm. Sau đó, cụ từ Huế quay về Hà Nội đoàn tụ cùng vợ con.

Trước khi từ biệt, vua Bảo Đại còn cho mời cụ vào hầu chuyện, dặn nghệ nhân Hiền gắng giữ nghề truyền lại cho thế hệ sau, đừng để mai một…

Trở về Hà Nội, với chiếc hòm gỗ nhỏ đựng đồ nghề cắt tóc, Phan Duy Hiền ngày ngày vẫn cần mẫn đi khắp nơi hành nghề.

Một thời gian sau, cụ bàn với vợ dùng số vốn tích lũy được mua một loạt nhà trên phố lớn như Hàng Đào, Hàng Quạt, Đinh Tiên Hoàng…, mở các cửa tiệm cắt tóc. Đây được coi là một trong những chuỗi cửa tiệm cắt tóc quy mô, làm ăn phát đạt nhất thời bấy giờ.

Cụ trở thành người giàu có khi sở hữu nhiều đất đai, chuỗi cửa hàng, xe từ Pháp...

Khách đến tiệm lúc nào cũng nườm nượp, nghệ nhân Phan Duy Hiền phải thuê thêm thợ phụ. Nhiều khách hàng khó tính, yêu cầu cụ trực tiếp cắt. 

Một lần, thấy một vị khách quen, đợi cả ngày vẫn chưa đến lượt, cụ bảo: “Hay bác sang cửa hàng bên kia đường, cũng có thợ lành nghề nhà tôi cắt, chứ để bác chờ đợi thế này, quả là ái ngại”. 

Vị khách này nhất quyết không đồng ý, còn nói: “Tôi đợi 5 ngày nữa cũng được, ông cắt tôi mới ưng”.

Trong trí nhớ của mình, anh Duy Hào kể, cụ Phan Duy Hiền là người hiền lành, điềm đạm. Cụ chẳng to tiếng với vợ con bao giờ, các cháu cũng được cụ hết mực cưng chiều. Đi đâu được ăn gì ngon, cụ nhất định phải mua về cho các cháu.

Anh Hiền chia sẻ: "Nhưng trong nghề ông tôi lại là người thầy khắt khe. Năm 16 tuổi, tôi bảo ông, tôi muốn theo nghề cắt tóc. Ông cười hiền bảo tôi: “Muốn làm thợ cắt tóc thì phải học chữ "Nhẫn". "Nhẫn" được rồi hãy trả lời ông học hay không”.

Rồi ông cho tôi ngồi “vẩy” kéo suốt nửa năm trời, bao giờ tự tin cảm thấy điều khiển được cây kéo như thể những ngón tay mình thì ông mới truyền nghề". 

{keywords}
Nghệ nhân của làng cắt tóc Kim Liên - Phan Duy Hào, cháu nội nghệ nhân cắt tóc cho vua Bảo Đại. Ảnh: Diệu Bình

Suốt 6 tháng trời, anh Duy Hào tập cầm kéo, điều khiển kéo cho thành thục. Trái với sự hào hứng ban đầu, anh tập đến tóe máu, phồng rộp ngón tay mà vẫn không điều khiển kéo theo ý mình được. Chán nản anh vất kéo xuống đất và tự hứa sẽ không cầm đến nó một lần nào nữa.

Anh kể tiếp: "Ông nội biết chuyện, ông gọi tôi vào và bảo chữ "Nhẫn" ông muốn tôi học chính là lòng kiên nhẫn, kiên trì. Nếu không có nó tôi sẽ không thể học được bất kể nghề gì. 

Nghe ông nói, tôi nhặt kéo lên, tiếp tục tập. Vài tháng sau khi tôi có thể "vẩy" kéo điệu nghệ, ông bắt đầu truyền nghề cho tôi".

Anh Hào cho biết thêm, theo lời nghệ nhân Phan Duy Hiền, thời Pháp thuộc, dân làng Kim Liên thường hành nghề ở phố Cột Cờ. Trước khi cắt, thợ cắt tóc phải ngâm dao cạo, kéo, lược qua nước nóng và cồn để tẩy rửa cho sạch. 

Sau đó, người thợ phải lấy khăn nước ấm lau mặt, lấy bông nhét lỗ tai cho khách khỏi nghe thấy tiếng kéo. Nước xả lên tóc phải có mùi nước hoa để tạo hương thơm. 

Khi cắt xong, trên người khách không có sợi tóc nào dính lên đó mới là đạt vì người Pháp rất khó tính và cầu kỳ. 

Ngày đó, tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ hai của người thợ cắt tóc. Những người khách cắt tóc của làng phần lớn là người Pháp và Trung Quốc. Sau đó, làng đã thành lập một công ty dịch vụ cắt tóc mang tên Phạm Ngọc Phúc. 

Công ty làm việc rất nghiêm ngặt, luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Ai đến cắt tóc đều có phiếu và khách được chọn người cắt tóc cho mình. Khi mỗi người cắt tóc xong, họ đều có góp ý vào quyển sổ. 

{keywords}
Thợ cắt tóc của làng Kim Liên xưa. Ảnh: Gia đình cung cấp

"Ông tôi dạy, làm nghề này điều thứ nhất là phải tôn trọng khách hàng, điều thứ hai là phải làm nghề bằng cả cái đầu chứ không phải chỉ bằng đôi bàn tay.

Cứ thế, ông truyền nghề cho tôi với tất cả đam mê và nhiệt huyết. Cho đến những năm cuối đời ông vẫn xách chiếc hòm gỗ nhỏ lên phố Hai Bà Trưng cắt tóc. 

Bắt đầu ngày mới, bao giờ ông cũng có thói quen mặc bộ vét trắng, hôm thì sơ mi, quần âu trắng, đầu chải gọn gàng, thoa vaselin bóng mượt rồi mới đi làm. 

Trước khi mất 3 ngày, ông vẫn cắt tóc cho khách bình thường, về nhà ông kêu hơi mệt rồi 2 hôm sau ông ra đi rất nhẹ nhàng. Năm đó là năm 1985, ông tròn 81 tuổi", anh Duy Hào tiếp tục câu chuyện.

Hai lần cắt tóc cho cháu nội vua Bảo Đại 

Dù đã bước qua tuổi 50 nhưng nghệ nhân Phạm Duy Hào trông còn khá trẻ và phong độ. Trải qua những biến đổi của lịch sử, nghề cắt tóc làng Kim Liên đang dần mai một.

Lớp trẻ chẳng còn mấy ai theo nghề, những nghệ nhân còn lại như anh Duy Hào vẫn miệt mài bám víu với nghề, cố gắng gìn giữ truyền thống của cha ông.

Trong cuộc đời cầm kéo "vít đầu thiên hạ" của mình, anh xúc động nhớ lại 2 lần được cắt tóc cho cháu nội của vua Bảo Đại. Anh cho rằng, đó là nhân duyên kỳ ngộ, bởi ông Nội anh thì cắt tóc cho vua Bảo Đại, còn anh được cắt tóc cho cháu nội của vua.

Anh kể, lần đó, một bác là khách quen của cửa hàng, dẫn theo một người phụ nữ đến và yêu cầu anh cắt tóc cho khách. Người phụ nữ này nói tiếng Pháp, không nói được tiếng Việt. Anh nhìn khuôn mặt người phụ nữ đó cũng ngờ ngợ nhưng không dám nói.

Đến khi cắt xong, bác khách quen mới giới thiệu với anh đó là con gái của Thái tử Bảo Long - con trai vua Bảo Đại. Người phụ nữ này về Việt Nam thăm quê hương và họ hàng. 

Theo đó, người này nghe nói anh Hào là cháu nội thợ cắt tóc cho vua Bảo Đại, nên đã tìm đến cửa hàng anh cắt tóc. Sau lần đó, chị cũng trở lại cửa hàng anh cắt tóc một lần nữa trước khi trở về Pháp.

Chuyện tình sau ngôi mộ cổ của con trai người 'giàu nhất trời Nam'

Chuyện tình sau ngôi mộ cổ của con trai người 'giàu nhất trời Nam'

Ngày cưới của Hoàng hậu Nam Phương, ông Lê Phát An gửi mừng cháu gái một triệu đồng bạc Đông Dương. Số tiền này tương đương với 20.000 lượng vàng bấy giờ.

Giai nhân chỉ cần im lặng, đại gia Hà thành đã 'thót tim'

Giai nhân chỉ cần im lặng, đại gia Hà thành đã 'thót tim'

"Cha tôi mê các trò cá ngựa, mạt chược. Nhiều lần ông ham mê quá, mẹ tôi rất giận. Bà chỉ im lặng. Những lúc mẹ tôi như vậy, cha tôi sợ lắm...", con trai của doanh nhân Trịnh Văn Bô chia sẻ.

Diệu Bình