Khi phát hiện mình mắc chứng bệnh trầm cảm, tôi mới nhận ra, đồng tiền không thể mua lại niềm vui, hạnh phúc, tình yêu thương của chính mình.

Tôi sinh ra ở một vùng quê chiêm trũng. Mẹ tôi là người đàn bà chịu thương chịu khó. Mới 8 tuổi, bà đã biết quảy rau ra chợ bán. Hơn mười tuổi, bà tự đi bán dạo kiếm tiền giúp mẹ nuôi em, mười ba tuổi, bà đi theo đàn anh đàn chị để kinh doanh buôn bán các mặt hàng.

 Mười lăm tuổi, bà đã lấy chồng qua sắp đặt của bố mẹ. Nhưng bố tôi là một người đàn ông nghiện rượu. Lấy chồng về, không nhờ được chồng, kinh tế trong nhà đều do mẹ tôi quán xuyến. Không những thế, mỗi lúc rượu say, ông lại “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với bà. Bà sinh ra ba chị em tôi, tôi là con út.

{keywords}
Ảnh minh họa

Năm tôi 10 tuổi, ông mất do bị ung thu gan. Để có tiền nuôi con, mẹ tôi nhận thêm hàng quần áo, hàng tạp hóa rồi thuê một sạp hàng ngoài chợ để buôn bán. Với nghị lực phi thường, chẳng mấy chốc, từ chiếc xe đẩy nhỏ thô sơ, mẹ tôi mở được một cửa hàng quần áo trước cửa nhà cho thu nhập để nuôi mấy chị em ăn học.

Những cú sốc của tôi bắt đầu khi tôi là đứa con gái thứ ba chào đời không làm hài lòng bố tôi. Ông thường xuyên đi đánh bạc, uống rượu say bí tỉ, rồi về nhà đánh đập mẹ tôi không ra gì. Còn mẹ tôi – tôi phải thừa nhận bà giỏi nhẫn nhục. Cả khi tôi đứng ra che chở cho bà, thì bà lại lôi tôi ra đánh vì… tôi mất nết, dám cãi lời bố. Năm 7 tuổi, tôi vô tình nhìn thấy bố mẹ tôi đang làm “chuyện người lớn”.

Lúc đó, tôi chỉ biết trố mắt nhìn đăm đăm cho đến khi chị gái tôi kéo tôi ra ngoài. Tôi đem chuyện đó kể cho cậu bạn thân nhất. Thằng mãnh con xui tôi “học theo”. Đến sau này, tôi mới hiểu, đó là hành vi mà người ta bảo là lấy mất trinh tiết của con gái. Tôi thù ghét thằng đó, mất niềm tin hoàn toàn vào con người và cuộc sống. Với đứa con gái như tôi, sống trong một gia đình rạn nứt về tình cảm và bị cậu bạn thân nhất lừa gạt, thì có niềm tin nào để tôi tựa vào? Tôi nghi ngờ và thù hằn tất cả mọi người sống xung quanh.

Tôi cầm đầu một nhóm đệ tử trong lớp, có cả nam lẫn nữ, chuyên ra tay làm việc “nghĩa hiệp” là giúp các bạn nữ khi bị bạn trai xấu tính trêu chọc. Trong lớp, tôi phân chia công việc cho từng người, ai không nghe, tôi lôi đệ tử ra xử lý. Tôi không hứng thú với học hành nên thường xuyên bỏ học đi chơi hoặc viện lý do đi lấy hàng giúp mẹ.

Học xong cấp 3, tôi ở nhà buôn bán với mẹ tôi. Vốn nhanh nhẹn, tháo vát, tôi “nâng cấp” cửa hàng nhỏ của mẹ thành một đại lý với ba cửa hiệu kinh doanh quần áo lớn trong vùng. Tất cả những rắc rối trong kinh doanh, cạnh tranh hàng hóa, địa điểm, tôi đều xử lý gọn gàng, êm xuôi, bởi dưới tôi, vẫn có một nhóm đàn em có máu mặt sẵn sàng ra tay giúp “chị cả” bất cứ lúc nào tôi cần.

18 tuổi, mẹ tôi giới thiệu con trai một người bạn thân ở Huế, là bác sỹ của một bệnh viện ở Sài Gòn. Hai gia đình vốn đã mai mối với nhau từ lâu, mẹ anh cũng có cửa hàng quần áo lớn ở Huế, giờ muốn chúng tôi kết đôi để thuận lợi cho việc làm ăn. Thấy anh hiền lành, chịu khó, có giọng nói dễ thương, tôi đồng ý cưới anh chỉ sau 1 tháng làm quen mà không biết mình có yêu anh không nữa.

Một năm sau, mẹ tôi mất, tất cả những cửa hàng đều do tôi trông coi. Chồng tôi về tỉnh, mở bệnh viện đa khoa tư nhân. Số bệnh nhân ngày càng đông lên đáng kể, mỗi ngày có đến 300 lượt người khám.

Chỉ có kiếm tiền, kinh doanh mới khiến tôi có động lực. Việc kinh doanh của tôi suôn sẻ bởi tôi có mối quan hệ lớn, có nhiều kinh nghiệm và đặc biệt là tôi dám làm dám chịu. Nhưng trong cuộc sống gia đình, tôi càng nhận ra tôi không yêu chồng, cũng chẳng có thích thú với việc sinh con.

Ngay cả khi tôi hạ sinh 2 đứa con gái, thì tôi cũng chỉ nằm với con đúng 1 ngày rồi để mọi việc chăm sóc con cho chồng và mẹ chồng nuôi nấng, chăm sóc. Chồng tôi ngoài việc ở bệnh viện, anh đảm đương luôn việc nuôi dạy con.

Tôi không thích khóc, cả cuộc đời tôi chỉ khóc đúng 5 lần, nên chỉ cần nhìn thấy chúng khóc là tôi quát lên. Hai đứa hầu như không bao giờ dám gần mẹ, điều đó cũng không khiến tôi thấy buồn phiền. Khi đứa lớn lớp 9 và đứa nhỏ lớp 6, tôi cho con lên Sài Gòn học, tôi mua cho hai chị em một khu biệt thự, gửi tiền đều đặn, hai vợ chồng tôi thỉnh thoảng lên thăm.

Đôi khi tôi nghĩ và cảm thấy xấu hổ vì biết mình là người mẹ tồi tệ khi không cảm thấy yêu thương những đứa con dứt ruột đẻ ra, không yêu chồng dù anh thương tôi hết mực. Không ít lần tôi làm anh mất mặt với đồng nghiệp, bạn bè chỉ vì giờ đi làm về muộn hơn một chút.

Anh bảo, tôi đang mắc bệnh và cần được chữa trị nhưng tôi gạt đi, cho đến khi tôi sang Singapore chữa chứng mất ngủ, đau đầu kéo dài. Có nhiều tiền trong tay không còn là niềm vui với tôi, bởi tôi chán chường tất cả mọi thứ, kể cả ăn uống.

Tiền không mua được niềm vui, không mang lại cho tôi sự thích thú, không khiến tôi cảm thấy yên bình trong tâm hồn. Tiền không mang lại cho tôi sức khỏe, lòng ham sống, không giúp tôi dứt đi những cơn đau đầu triền miên, dai dẳng.

Bỏ lại công việc cho chị gái trông giúp, tôi đi chữa bệnh và nhận ra rằng, tôi đã quá ham mê đồng tiền, cuốn vào vòng xoáy của nó, khiến tôi trở nên mệt nhoài, căng thẳng dẫn đến mắc bệnh trầm cảm nặng.

Tôi “tự chữa bệnh” cho mình, cố tìm thú vui khi đi du lịch khắp đất nước, xem phim ma, chơi trò chơi gây cảm giác mạnh nhưng đều bất lực. Trong cuộc sống, tôi là người phụ nữ mạnh mẽ, nhưng không ai biết, tôi cũng có nhiều lúc rất chán nản..

Chồng tôi là người đàn ông tốt, đôi khi tôi nghĩ, giá như anh ấy ngoại tình, cặp bồ, tôi còn vui hơn, không còn cảm giác áy náy với anh vì không làm tròn phận làm vợ. Có một điều, cứ càng dấn thân vào thương trường, tiền vào như núi, nhưng tôi không còn cảm giác thích thú gì cả. Càng như thế, tôi càng cố tạo niềm vui cho mình bằng công việc. Nhưng rồi, tôi nhận ra, có nhiều tiền, cũng không được gì. Tôi rơi vào trạng thái chân không. Tôi không vui, không buồn, không cảm xúc thích thú, không đam mê, dù tiền với tôi cũng là một thứ tạo hứng thú để tôi làm việc. Tôi tìm đến rượu để kích thích cảm giác. Không nghe lời chồng, tôi không ăn, chỉ uống nước trong 7 ngày để thanh lọc cơ thể khiến cho cơ thể suy nhược nặng.

{keywords}
Ảnh minh họa

Tôi ngày càng suy sụp, khuôn mặt nhợt nhạt. Tôi không có bạn thân, chỉ là các mối làm ăn thân cẩn. Chồng tôi không thể chia sẻ cùng tôi mọi chuyện, vì không hợp nhau. Đôi khi tôi nghĩ đến giải pháp tự tử nhưng không dám làm, vì cuộc đời còn nhiều ràng buộc. Cách đây mấy hôm, tôi đi gặp chuyên gia tâm lý. Họ bảo tôi phải chữa tận gốc căn bệnh trầm cảm.

Cũng may, tôi vẫn còn may mắn bởi chồng tôi vẫn rất yêu thương tôi, dạy dỗ các con ngoan ngoãn, học giỏi mà không sa vào những thói hư tật xấu.

Tôi đang học lại những khái niệm cảm xúc đơn giản nhất: cách yêu thương, cách cảm nhận tình yêu thương, hạnh phúc là gì, tìm niềm vui và hạnh phúc từ cuộc sống hằng ngày…

Chồng tôi vẫn ở bên cạnh động viên tôi, các con biết mẹ mắc bệnh lại thường xuyên gọi về thăm hỏi. Học cách yêu thương, sao khó lắm thay, có tiền cũng đâu mua được tình yêu thương đó…

Độc giả Trâm Anh

Cuộc đời tôi là một chuỗi những năm tháng thăng trầm. Tôi đi lên bằng hai bàn tay trắng, tự học cách yêu lấy đồng tiền để dấn thân vào thương trường, gây dựng sự nghiệp bằng bản lĩnh và niềm khao khát đứng trong thế giới thượng lưu. Sẽ không ai hình dung được, để có hình ảnh của người phụ nữ thành đạt đầy sang trọng, tự tin, kiêu sa trước công chúng như bây giờ thì tôi phải đạp đổ rất nhiều chông gai, vượt qua nhiều cạm bẫy của cuộc sống.

Tôi tự coi công việc làm niềm vui thích, ham mê, cho đến khi tôi nhận ra tôi không còn cảm xúc với bất cứ thứ gì trên đời: đó là khi các bác sỹ cho biết, tôi mắc bệnh trầm cảm nặng. Tôi biết, không ai giúp tôi được ngoài chính tôi phải tự giải phóng cho mình, kể cả chồng tôi. Đồng tiền –cái tôi đã từng bị mê hoặc, đặt mục tiêu để sống và làm việc, giờ thành vô nghĩa.