Người dân tại Kaganda, một ngôi làng nhỏ cách thủ đô Nairobi 80km về phía bắc, từ lâu đã đề nghị chính quyền địa phương làm đường để rút ngắn thời gian đi tới một trung tâm mua sắm gần đó. Mặc dù khu vực rậm rạp mà con đường dự kiến sẽ đi qua đã được các nhà chức trách đo đạc song lãnh đạo địa phương vẫn chưa bắt đầu dự án.

Sau khi một con đường mòn ngắn hơn được dân làng Kaganda sử dụng để đi tới trung tâm mua sắm bị rào lại vì đi qua một khu đất riêng, người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài đi bộ 4km mỗi ngày. Đó là khi một anh hùng địa phương quyết định nhúng tay vào và tự đào cho mình con đường được mọi người mong đợi từ lâu.

Nicholas Muchami, người kiếm sống bằng những công việc lặt vặt và đi làm bảo vệ vào ban đêm, đã tình nguyện mở một đoạn đường dài 2km mà chỉ sử dụng các nông cụ. Ông đã làm việc không mệt mỏi từ lúc 7 giờ sáng cho tới 5 giờ chiều trong vòng 6 ngày liên tiếp và dọn sạch khu vực bụi rậm dài 1,5km, tạo ra một con đường đất vừa đủ rộng để xe ôtô đi qua. Mặc dù vẫn còn một đoạn dài 0,5km phải làm trước khi hoàn thành nhiệm vụ, những thành tựu của ông Muchami đã được cả thế giới chú ý.

"Tôi đã kiến nghị lãnh đạo địa phương phải xây một con đường nhưng đều vô ích", ông Muchami nói với Daily Nation. "Vì thế tôi quyết định dùng các nông cụ của mình để phụ nữ và trẻ em trong làng tiết kiệm thời gian".

Hiện ông Muchami đã tạm ngừng việc làm đường để quay trở về công việc thường nhật của mình nhưng ông lên kế hoạch sẽ dọn sạch đoạn đường còn lại và san phẳng toàn bộ con đường. Cho dù chưa hoàn thiện nhưng đoạn đường mới đã được các em học sinh và dân làng sử dụng.

"Chúng tôi nợ ông ấy nhiều", Josephine Wairimu (68 tuổi) nói về Muchami. "Sự thật là tôi sẽ hô hào người dân địa phương cung cấp thức ăn cho ông ấy khi ông ấy làm đoạn đường còn lại. Tôi cũng rất vui vì nhờ có con đường này, tôi sẽ đi lễ nhà thờ trở lại".

Mặc dù chứng kiến ông Muchami đào đường trong vòng 6 ngày nhưng không người dân nào tại Kaganda giúp ông một tay vì họ không muốn làm việc miễn phí. Nhiều người qua đường thậm chí còn hỏi rằng liệu ai đó đã trả tiền cho ông làm việc này.

"Khi tôi làm đường, mọi người hỏi tôi rằng 'ông có được trả công không'"? ông nói với BBC.

Câu chuyện của Nicholas Muchami đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội vào tuần trước. Nhiều người đã ca ngợi ông như một anh hùng và một người yêu nước thực thụ. Bên cạnh đó, không ít cư dân mạng lên án giới chức địa phương vì đã không hoàn thành nhiệm vụ của họ. Một số người đã đề nghị chính quyền cần phải trả công cho Muchami và nâng cấp con đường mà ông vừa mở.

Sầm Hoa