– Số trẻ tử vong liên quan đến sởi tại BV Bạch Mai đã là 8 cháu. Con số tử vong thống kê trên cả nước tính đến hết ngày 21/4 của Bộ Y tế là 119 cháu, thấp hơn so với thực tế. Dịch sởi không chỉ là mối lo của người dân mà còn là mối lo của các bác sỹ trực tiếp điều trị vì thực tế điều trị tiếp tục ghi nhận những bất thường.

>> Toàn cảnh gồng mình chống dịch sởi

Ngày 22/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tăng cường công tác điều trị bệnh sởi với sự tham gia của các bệnh viện thuộc 23 tỉnh thành phố từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc nhằm hướng dẫn cho các bệnh viện phác đồ đã được điều chỉnh nhằm ứng phó với diễn biến nặng bất thường của dịch sởi năm nay.

Sáng tỉnh táo, chiều thở máy

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi – BV Bạch Mai cho biết, BV này chưa ghi nhận ca sởi nào nhiễm chéo vì làm tốt khâu chống nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, đến nay đã có 8 bệnh nhi mắc sởi tử vong, trong đó có 7 ca dưới 1 tuổi.

{keywords}
Nhiều ca sởi nặng, phải thở máy (Ảnh: CQ)

4 ca đầu tiên tử vong sau vài hôm nhập viện với các biểu hiện lâm sàng, còn 4 ca sau thì rất lạ: Cai được máy thở 10 ngày thì phổi vẫn chưa ổn, phải quay lại thở máy, thở tiếp 10 ngày nhưng 3 ngày sau thì tử vong.

1 tỉnh báo cáo 3 số liệu khác nhau về sởi!

Tại Hội nghị, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết thời gian qua việc thống kê số liệu các ca mắc sởi tại nhiều địa phương bất hợp lý.

Ông Phu chỉ rõ: “Có tỉnh báo cáo lên Bộ Y tế 3 số liệu khác nhau do 3 đơn vị thống kê (Trung tâm Y tế dự phòng, Sở Y tế và các bệnh viện).

Điều này cho thấy thông tin cần minh bạch nhưng phải làm việc thật khoa học để có thể đưa ra con số chính xác phục vụ cho việc đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh”.

“Có trường hợp sáng nhập viện vẫn còn tỉnh táo, chơi tốt nhưng chiều đã thở gấp rồi phải vào thở máy. Trong ngày hôm nay (22/4), khoa Nhi tiếp nhận 8 bệnh nhân nhưng đã có 4 ca vừa vào đã phải thở máy ngay”, bác sỹ Dũng nói.

Theo bác sỹ Dũng, điểm bất thường của dịch sởi năm nay virus sởi tấn công thẳng vào phổi rất mạnh và tấn công ngay từ ngày đầu hoặc ngày thứ 2-3 sau khi phát bệnh, làm suy giảm miễn dịch trầm trọng, tới mức có trẻ đã chữa xong bệnh sởi, được về nhà nhưng sau 1-2 tuần phải nhập viện trở lại vì viêm phổi.

“Điều đó cho thấy đối với nhiều trẻ, di chứng của bệnh sởi sẽ còn lâu dài. Với trẻ mắc sởi bị suy hô hấp phải theo dõi chặt chẽ để sử dụng máy thở đúng lúc, nếu đợi đến khi bệnh nhân lả đi mới “vào máy” thì có thể không kịp vì khi trẻ đã lả đi, phổi bị tổn thương nặng thì thở máy cũng khó cứu”, PGS Dũng cho hay.

Một điểm nữa là hiện nay có nhiều trẻ không có bất kỳ một bệnh nền nào nhưng điều trị sởi vẫn rất dai dẳng. Kháng sinh không đóng vai trò nhiều trong điều trị, các bác sĩ đang xem xét định lượng vitamin A cho phù hợp.

Chú ý chăm sóc trẻ sau khi điều trị sởi

Tại buổi tập huấn, TS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM) lưu ý: “Một trong những sai lầm cũng cần lưu ý từ phía các phòng mạch tư là khi thấy trẻ sốt cao, ho nhiều nhưng chưa phát ban, các bác sĩ ở phòng mạch nghĩ bé bị hốt ho viêm họng thông thường cho uống corticoid để giảm ho. Điều này dễ gây nguy hiểm bởi corticoid gây giảm miễn dịch, nếu trẻ mắc sởi thì làm bệnh sẽ nặng hơn”.

{keywords}
Cần chú ý chăm sóc trẻ sau khi điều trị sởi

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, sau khi trẻ bị sởi – nhất là đối với các trẻ ít tháng tuổi, bị biến chứng nặng thì gia đình cần phải hết sức thận trọng trong việc chăm sóc trẻ.

Lúc này sức đề kháng của trẻ suy giảm nên trẻ rất dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn. Ngoài việc cho trẻ ăn đầy đủ dưỡng chất, bổ sung vitamin A, nên giữ vệ sinh cho trẻ, tránh tiếp xúc nơi đông người, những người trông trẻ cũng cần thường xuyên rửa tay, vệ sinh tốt. Ngoài ra cần giữ môi trường thông thoáng, khô ráo.

Theo kinh nghiệm của bác sĩ Trương Hữu Khanh, trẻ mắc sởi thường sốt, viêm họng và ho dữ dội là dấu hiệu cho thấy có thể mắc bệnh. Nhưng điều này không đáng sợ bằng khi trẻ bắt đầu thở nhanh. Vì thế khi phụ huynh theo dõi thấy thấy trẻ thở nhanh thì nên đưa đến bệnh viện ngay.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã thống nhất sử dụng thêm Gamma globulin miễn dịch, một chất tăng cường sức đề kháng, bổ sung thêm cho cơ thể trẻ bị mắc sởi.

Về việc sử dụng Gamma Globuline, TS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (BV Nhi T.Ư) lưu ý chỉ những trường hợp rất nặng mới cho sử dụng bổ sung.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến cáo không được lạm dụng Gamma globulin mà phải rất thận trọng khi dùng, vì đây là dạng đạm protein dễ gây sốc dẫn tới tử vong ở trẻ.

Được biết, 1 lọ Gamma globulin 50ml có giá 6 triệu đồng và được bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính tới hết ngày 21/4, cả nước có  3.481 trường hợp mắc sởi xác định trong số 9.473 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 119 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.

Có 391 bệnh nhân đang điều trị tại BV Nhi TƯ, Nhiệt đới và Bạch Mai, trong đó có 23 bệnh nhân nặng phải thở máy.

Cẩm Quyên