Tai nạn tử vong, thương tích của trẻ em giảm trong 5 năm qua

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, sáng nay, tại Hà Nội.

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, tai nạn, thương tích trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 465.302 trẻ em 0-15 tuổi bị tử vong do tai nạn thương tích, tương đương khoảng 1.275 trẻ em/ngày bị tử vong do tai nạn thương tích. Ngoài ra, hàng chục triệu trẻ em khác bị chấn thương phải điều trị tại bệnh viện và thường để lại hậu quả lâu dài về sức khỏe, tâm lý, thậm chí là khuyết tật suốt đời. Phần lớn các trường hợp tử vong xảy ra tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

{keywords}
Trẻ em Hà Nội được dạy bơi miễn phí trong Chương trình Chống đuối nước cho trẻ em thành phố. Ảnh: Phạm Hải

Tại Việt Nam, trong 5 năm qua, tình hình trẻ em mắc và tử vong do tai nạn thương tích đều giảm. Tỉ lệ tử vong do tai nạn, thương tích tại Việt Nam tương đương các nước thu nhập trung bình và trong khu vực, nhưng vẫn cao gấp 3 lần so với các nước thu nhập cao. Nguyên nhân tử vong hàng đầu là do đuối nước và tai nạn giao thông.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020. Qua 5 năm triển khai thực hiện, chương trình đã tạo được sự chuyển biến tích cực. Nước ta xây dựng hơn 6 triệu ngôi nhà đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn, 26.000 trường học đạt tiêu chí Trường học an toàn, 6.000 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí Cộng đồng an toàn.

Đến năm 2020, tỷ suất mắc tai nạn thương tích trẻ em giảm từ 1.001/100.000 năm 2016 xuống còn 600/100.000 trẻ em; tỷ suất trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích đã giảm từ 19,7/100.000 trẻ năm 2016 xuống còn 17/100.000 trẻ em.

Số trẻ em bị tử vong do đuối nước giảm trung bình 100 trẻ em/năm; 90% trẻ em mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; 90% trẻ em tiểu học và trung học cơ sở biết các quy định an toàn giao thông đường bộ; 50,3% trẻ em tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Giải pháp giảm tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030

Ngày 19/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu tổng quát "Kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội".

Chương trình có 3 nhóm mục tiêu cụ thể: Giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích và tử vong do tai nạn, thương tích của trẻ em; Truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp chính quyền, cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em. Đào tạo, tập huấn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho cán bộ các cấp, các ngành, đoàn thể liên quan.

 Các giải pháp của chương trình tập trung vào: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp, các ngành và toàn thể xã hội.

Hướng dẫn, tư vấn, giáo dục cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; Nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho đội ngũ làm công tác trẻ em của các cấp, các ngành, đoàn thể.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Các can thiệp phòng ngừa, giảm thiểu tỷ lệ mắc và tử vong do tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là các loại hình thương tích đặc thù và có tỉ lệ tử vong cao như  đuối nước, tai nạn giao thông,  ngã, bỏng.

Ngoài ra, giai đoạn tới, nước ta kiện toàn công tác về sơ cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng, cứu hộ, cứu nạn bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu tử vong, khuyết tật và tổn thất về sức khoẻ cho trẻ em…

Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện của Tổ chức WHO Việt Nam, cho biết, Chương trình Quốc gia phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em 2021-2030 là nền tảng rất quan trọng để Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp can thiệp hiệu quả hơn nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ em trong thập kỷ tới.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, với những mục tiêu cụ thể và giải pháp đồng bộ, sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các bên liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, chương trình sẽ đạt được các mục tiêu đề ra, giảm thiểu tai nạn thương tích, mang lại môi trường sống thuận lợi, khỏe mạnh và an toàn cho trẻ em Việt Nam”, ông nói.

Bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc Quốc gia Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu tại Việt Nam, cho biết: Tại Việt Nam, mặc dù kết quả ban đầu đáng khích lệ với việc giảm trung bình 100 trường hợp trẻ em đuối nước mỗi năm nhưng đuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 6-15 tuổi.

Trong 3 năm qua, chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em đã tổ chức đào tạo bơi an toàn cho hơn 14.000 trẻ em và giảng dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho hơn 30.200 em. Chúng tôi hy vọng tiếp tục đồng hành cùng cơ quan nhà nước để lan tỏa những kinh nghiệm triển khai chương trình trên toàn quốc, góp phần đảm bảo sự sống còn của trẻ em và mục tiêu của Chương trình quốc gia trong thời gian tới.

Phương Lê

2.000 trẻ em Việt Nam tử vong do đuối nước mỗi năm

2.000 trẻ em Việt Nam tử vong do đuối nước mỗi năm

Dù nước ta đã giảm trung bình 100 trường hợp trẻ em đuối nước mỗi năm, nhưng tai nạn này vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ.