Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tháu Nguyên, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hoạt động của cộng đồng; đồng thời, thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025.

Nội dung chuyển đổi số nông thôn tập trung trên ba phương diện: Phát triển chính quyền số ở nông thôn; Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Tiêu chí quan trọng của xã nông thôn mới thông minh là phải hoàn thiện nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số.

Năm 2022, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là kết quả của sự nỗ lực và quyết tâm lớn của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương. Tức Tranh tiếp tục trở thành địa phương đầu tiên được tỉnh và huyện Phú Lương lựa chọn thí điểm xây dựng xã nông thôn mới thông minh. 

Một trong những tiêu chí quan trọng của xã nông thôn mới thông minh là phải hoàn thiện nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số. Địa chỉ số là tập hợp thông tin để xác định vị trí, tọa độ gắn liền với đất là nhà ở, trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Khi hoàn thành, nền tảng địa chỉ số sẽ cập nhật thông tin từng hộ gia đình, cơ quan, đơn vị sau đó được tích hợp với địa chỉ số của tỉnh, của quốc gia. 

Ngay khi tỉnh và huyện có chủ trương, Đảng ủy, UBND xã Tức Tranh đã tổ chức họp với các đoàn thể xây dựng kế hoạch cụ thể với quyết tâm cao để triển khai đến người dân. Đến nay, sau một thời gian triển khai, địa chỉ của 2.327 hộ dân (đạt khoảng 95%) trên địa bàn xã đã được cập nhật trên nền tảng địa chỉ số.

Để cập nhật thông tin chính xác địa chỉ của các hộ dân, xã Tức Tranh lựa chọn các cá nhân là trưởng xóm, trưởng đoàn thể ở các xóm, am hiểu về công nghệ, nhiệt tình với công việc đi tập huấn về công nghệ. Sau đó, mỗi xóm thành lập 1 tổ công nghệ từ 5 -7 người để đi đến từng nhà, giải thích cặn kẽ về lợi ích của việc ứng dụng và hướng dẫn cách sử dụng nền tảng địa chỉ số. Đến nay, nhiều người dân đã quen dần với các tiện ích của địa chỉ số.

Khi thực hiện cài đặt địa chỉ số, mọi người chỉ cần nhập các mã dãy số được cung cấp, lập tức địa chỉ thông tin về gia đình hiện đầy đủ, chính xác từ chỉ dẫn đường; thông tin sản phẩm gia đình đang bán...

Trên địa bàn xã còn 154 địa chỉ chưa thể cập nhật nền tảng địa chỉ số do quá trình khảo sát trước đây của Bưu điện bị “vênh” so với thực tế. Vì vậy, xã đang phối hợp chặt chẽ với Bưu điện để tiếp tục cập nhật, hoàn thành 100% địa chỉ cần cập nhật trên nền tảng địa chỉ số.

Ngoài ra, để tiếp tục thực hiện các tiêu chí trong nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh, thời gian tới, xã tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng Internet cáp quang và thông tin di động 3G, 4G đến từng hộ. Cán bộ xã có ứng dụng các nền tảng số để thông tin, tuyên truyền đến người dân trong thôn. 

Xây dựng mô hình thôn nông thôn mới thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực như an toàn giao thông, y tế, giáo dục, sản xuất - kinh doanh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nông nghiệp, chiếu sáng, môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, lắp đặt hệ thống camera an ninh...

Phấn đấu hơn 70% số người trong độ tuổi lao động biết và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ số thiết yếu trong các lĩnh vực y tế, giao thông, ngân hàng, du lịch... cơ bản nắm được cách thức sử dụng dịch vụ khi có yêu cầu. Mặt khác, trong thôn phải bảo đảm hơn 50% người trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử để thanh toán được các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, viễn thông, học phí...

Thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ tuyên truyền, cập nhật thông tin và hướng dẫn người dân thực hiện chương trình chuyển đổi số, vận động người dân tham gia nhóm Zalo để cập nhật các thông tin của địa phương về chuyển đổi số.

Văn Dương, và nhóm PV, BTV