Chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 của Mỹ trong phiên giao dịch vừa kết thúc rạng sáng 2/4 (giờ Việt Nam) lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 4.000 điểm trong bối cảnh các nhà đầu tư khởi động một quý mới với sự lạc quan về nền kinh tế và khả năng hồi phục sau dịch của nước Mỹ.

Chỉ số S&P 500 tăng 1,2% đóng cửa ở mức gần 4.020 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,5%, trong khi chỉ số công nghệ vọt thêm 1,8%.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm ngay sau khi Viện Quản lý Cung ứng của Mỹ cho biết hoạt động sản xuất của nước đã tăng trưởng tháng thứ 10 liên tiếp trong tháng Ba vừa qua. Nhu cầu ngày càng tăng đã giúp bù đắp tác động của chuỗi cung ứng khó khăn và giá hàng hóa tăng.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Mỹ cũng trở nên lạc quan hơn trong những tháng gần đây nhờ vào việc mở rộng phân phối vaccine và sự sụt giảm rõ rệt các trường hợp mắc bệnh Covid-19. Tâm trạng lạc quan của người tiêu dùng đã chuyển thành sự sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn.

{keywords}
Dòng tiền chi tiêu của chính phủ Mỹ giúp chứng khoán thăng hoa.


Thị trường chứng khoán Mỹ thăng hoa khi nhà đầu tư lạc quan với kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joe Biden trị giá 2 nghìn tỷ USD cho các lĩnh vực như: giao thông, năng lượng xanh, nâng cấp hệ thống nước…

Như vậy, nếu được thông qua, đây sẽ là gói bơm tiền lớn thứ 2 của chính quyền ông Joe Biden chỉ trong vòng vài tháng. Trước đó, quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD.

Cũng theo Viện Quản lý Cung ứng Mỹ, chỉ số hoạt động sản xuất của nền kinh tế số 1 thế giới đã tăng lên mức 64,7 điểm trong tháng 3 từ mức 60,8 vào tháng 2. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/1983.

Những dòng tiền khổng lồ đã, đang và sẽ được bơm vào nền kinh tế là động lực chính cho thị trường chứng khoán Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp lên 28% của chính quyền ông Biden có thể gây ra mối đe dọa đối với lợi nhuận của doanh nghiệp và sự hồi phục của giá cổ phiếu.

M. Hà