Cơ quan thị trường năng lượng (EMA) cho biết, Singapore đã chấp thuận có điều kiện cho Sun Cable nhập khẩu 1,75GW điện mặt trời từ Úc. Việc chấp thuận công nhận dự án có thể khả thi về mặt kỹ thuật và thương mại dựa trên đề xuất và tài liệu đã nộp. 

Sun Cable tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đáp ứng các điều kiện của EMA để được cấp phép, trong đó có phần pháp lý liên quan tới các quốc gia mà tuyến cáp đi qua. 

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh năng lượng sạch châu Á, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Tan See Leng gọi đề xuất này là một dự án đầy tham vọng, cả về quy mô và khoảng cách giữa Úc và Singapore. 

“Sẽ cần thời gian để triển khai dự án. Chúng tôi hy vọng dự án sẽ đi vào hoạt động sau năm 2035", Tiến sĩ Tan kỳ vọng. 

Sun Cable đang triển khai dự án năng lượng mặt trời trị giá 13,5 tỷ USD tại Úc. Australia Asia Power Link sẽ trở thành cơ sở lưu trữ pin và trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Công ty cho biết, các tuyến cáp sẽ được lắp đặt qua vùng biển Indonesia.

so do tuyen cap.jpg
Tuyến cáp truyền tải điện mặt trời. Ảnh: NA

Theo Mitesh Patel, quyền Tổng giám đốc Sun Cable, tuyến cáp ngầm đóng vai trò quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, kết nối các khu vực năng lượng tái tạo có năng suất cao như miền bắc Úc với các trung tâm có nhu cầu cao như Singapore.

Đây không phải là lần đầu tiên một dự án như vậy được đưa ra. Sun Cable có ý định xây dựng cáp ngầm vào năm 2024 và đi vào hoạt động hoàn toàn vào năm 2029, nhưng công ty rơi vào tình trạng kiểm soát vào tháng 1/2023 do thiếu vốn. Tháng 5/2023, Sun Cable được Mike Cannon Brookes, doanh nhân công nghệ người Úc, giải cứu.

Năng lượng tái tạo nhập khẩu chiếm khoảng 9% tổng nhu cầu điện của Singapore. Nhập khẩu điện carbon thấp là một phần trong chiến lược của Singapore nhằm phi carbon hóa ngành điện, hiện chiếm khoảng 40% lượng khí thải của quốc gia.

Nước này đang tìm cách nhập khẩu khoảng 6GW điện carbon thấp vào năm 2035.

Singapore đã cấp giấy phép có điều kiện cho 2GW điện nhập khẩu từ Indonesia, cũng như phê duyệt có điều kiện cho 1,4GW từ Indonesia, 1GW từ Campuchia và 1,2GW từ Việt Nam.

Singapore cũng sẽ nhập khẩu tối đa 200MW thủy điện tái tạo thông qua sáng kiến ​​xuyên biên giới có tên Dự án tích hợp năng lượng Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore.

(Theo CNA)