Nhiều cách làm hay, sáng tạo như: thực hiện vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa, tận dụng rác thải nhựa bán gây quỹ ủng hộ người nghèo, học sinh khó khăn thu hút đông đảo người dân trong tỉnh nhiệt tình tham gia, góp phần gìn giữ, tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Hiện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng được trên 55 nghìn bể, hố xử lý rác thải, hàng nghìn thùng rác được hỗ trợ và do nhân dân đóng góp; 22.303 làn đi chợ thân thiện với môi trường. Từ rác thải nhựa tái chế, các địa phương đã xây dựng được 639 công trình, mô hình gạch sinh thái với tổng trị giá trên 6,7 tỷ đồng.  

ah bai tuyen quang.jpg
Phụ nữ Phường Minh Xuân (Tuyên Quang) thu phế liệu gây quỹ hỗ trợ người nghèo.

Tại huyện Hàm Yên, huyện chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng về bảo vệ môi trường, tác hại của túi ni lông khó phân hủy, phong trào chống rác thải nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích người dân dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, xây dựng bể ủ rác hữu cơ tại các gia đình...

Song song với đó, mô hình "Đồng ruộng sạch, sản xuất sạch" tại xã Minh Hương và xã Nhân Mục ra đời tháng 2/2024 nhằm tuyên truyền đến hội viên nông dân nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, sản xuất ra nhiều nông sản sạch… Đồng thời, huyện cũng tổ chức tốt việc thu gom và xử lý rác thải, không vứt rác và túi ni lông bừa bãi, sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định. Đặc biệt khắc phục tình trạng vứt bỏ vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng đồng.

Không chỉ huyện Hàm Yên, người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cũng có nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Tại huyện Chiêm Hóa đã tổ chức xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ, nhóm tự quản bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở tất cả các khu dân cư. Đến nay trên địa bàn huyện có 705 tổ, nhóm tự quản ở khu dân cư với trên 27.300 thành viên thực hiện các nội dung: Vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thu gom, phân loại rác thải, an ninh trật tự, phát triển kinh tế, thắp sáng đường quê.... Trong đó mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, chống rác thải nhựa là 287 tổ, nhóm.

Nhiều cách làm hay, sáng tạo được các tổ chức, đoàn thể, thành viên phối hợp triển khai hiệu quả như: Tổ chức Ngày hội đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập, lấy cây xanh; xây dựng mô hình “Vườn hoa trên không”; mô hình “Thùng rác gia đình”; xây dựng mô hình “Vườn hoa kiểu mẫu” bằng gạch sinh thái; tái chế rác thải nhựa thành các đồ dùng, đồ trang trí, đồ chơi tại điểm vui chơi cho học sinh và nhân dân.

Tại huyện Yên Sơn, mỗi tổ chức đoàn thể khu dân cư đã có nhiều cách làm, nhiều hành động đẹp để lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường chống rác thải nhựa. Cụ thể là các loại rác được phân loại ngay từ hộ gia đình. Để tạo sự lan tỏa và đồng thuận trong nhân dân, tổ tự quản ở các thôn đã phát huy vai trò đảng viên, người đứng đầu trong việc nêu gương phân loại rác thải nhựa. Vừa làm, vừa tuyên truyền, nhờ đó đã có trên 90% số hộ dân hưởng ứng tham gia phong trào này. Không chỉ bảo vệ môi trường, hiệu quả mô hình này còn đóng góp một phần kinh phí giúp đỡ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn.

Huyện đang duy trì hoạt động hiệu quả của 335 tổ tự quản bảo vệ môi trường chống rác thải nhựa. Các mô hình nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên và nhân dân. Chỉ tính riêng năm 2023, các mô hình đã thu gom được gần 9 tấn rác thải nhựa.

Có thể nói, phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” đã từng bước nâng cao ý thức cho người dân trong việc sử dụng đồ nhựa, góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, giúp xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Năm 2020, toàn tỉnh có 28 mô hình điểm cấp huyện về thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa. Đến năm 2024 đã có trên 2.500 mô hình, tổ tự quản về bảo vệ môi trường.

Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn; 96% chất thải rắn thông thường được xử lý đạt tiêu chuẩn. Tuyên Quang xác định công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài của các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mỗi người dân và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang và các thành viên từ tỉnh tới cơ sở tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh bảo vệ môi trường, chú trọng các hoạt động khuyến khích đoàn viên, hội viên và nhân dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, từ bỏ thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần, thực hiện tốt phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”.