Theo đó, mục tiêu tổng quát của kế hoạch gồm: Phát triển, hình thành đội ngũ nhân lực, chuyên gia an ninh mạng đủ năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Nâng cao khả năng phòng, chống, phản ứng trước các mối đe dọa đến từ không gian mạng cho các tổ chức, cá nhân thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng về an ninh mạng. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ, trọng dụng đội ngũ nhân lực, chuyên gia về an ninh mạng.
Tăng cường năng lực phòng, chống các nguy cơ tấn công, xâm nhập hệ 2 thống thông tin quan trọng tại địa phương và ngăn chặn, khắc phục kịp thời sự cố về an ninh mạng, chủ động bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Mở rộng liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế, hợp tác công tư về đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng. Tham gia tích cực vào Mạng lưới Tài năng an ninh mạng Việt Nam để liên kết, huy động nguồn nhân lực an ninh mạng chất lượng cao.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:
Đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng tại địa phương: Đào tạo tối thiểu 12 lượt cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an tỉnh.
Đối với lực lượng bảo vệ an ninh mạng tại các cơ quan Đảng, chính quyền, địa phương: Đào tạo tối thiểu 50 lượt cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý, quản trị, vận hành hệ thống thông tin.
Đối với việc tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đào tạo ngắn hạn về an ninh mạng cho cán bộ, nhân viên cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước: Tổ chức ít nhất 8 lớp.
Đối với việc đào tạo kiến thức, tập huấn kỹ năng an ninh mạng cho các tổ chức, cá nhân khác: Tổ chức ít nhất 8 lớp.
Đối tượng đào tạo là các lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; lực lượng bảo vệ an ninh mạng tại các cơ quan, ban, ngành, địa phương; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh mạng; đội ngũ lãnh đạo quản lý và cán bộ chủ chốt, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước; giảng viên, nghiên cứu viên, giáo viên về an ninh mạng tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học về an ninh mạng; tài năng trẻ về an ninh mạng…
Về nhiệm vụ giải pháp, tỉnh Tuyên Quang chú trọng tham mưu áp dụng cơ chế, chính sách đào tạo, sử dụng nhân lực an ninh mạng tại địa phương. Đào tạo lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại tại địa phương. Tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đào tạo ngắn hạn về an ninh mạng cho cơ quan nhà nước.
Đào tạo đội ngũ chuyên sâu về an ninh mạng như cử đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao về an ninh mạng có khả năng nghiên cứu chuyên sâu tại các trường đào tạo, trung tâm ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm phát triển sản phẩm, dịch vụ, giải pháp đáp ứng yêu cầu tự chủ, tự cường về khoa học công nghệ nói chung và an ninh mạng nói riêng trên địa bàn tỉnh.
Hình thành cơ chế trao đổi thông tin theo hướng mở, bao gồm các kênh, nhóm làm việc kết nối giữa các chuyên gia trong nước, quốc tế nhằm huy động, hỗ trợ, phát huy nguồn lực chất xám cho các nhiệm vụ, dự án an ninh mạng tại địa phương...