Thời gian qua, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đã mang đến diện mạo mới cho các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Cơ sở hạ tầng thay đổi rõ rệt. Đời sống, văn hóa, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa rộng rãi, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân.
Để Chương trình ngày càng phát huy hiệu quả, bền vững, đi vào chiều sâu, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Công tác kiểm tra, đánh giá phải tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, đúng quy định, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức. Nội dung kiểm tra phải bám sát vào định hướng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện Chương trình của tỉnh. Đánh giá rõ kết quả, tiến độ thực hiện Chương trình ở huyện, xã; chỉ rõ những ưu điểm, tồn tại, hạn chế… qua đó định hướng các nội dung, nhiệm vụ để thực hiện có hiệu quả Chương trình.
Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh có liên quan để công tác kiểm tra, đánh giá Chương trình có hiệu quả nhằm kịp thời hướng dẫn, giúp các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh và các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Phát huy vai trò chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và sự đồng thuận của người dân trong tổ chức thực hiện Chương trình.
Công tác kiểm tra, đánh giá chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ diễn ra liên tục hằng năm và giữa kỳ. Nội dung kiểm tra, giám sát sẽ tập trung vào một số nội dung cụ thể bao gồm:
Việc triển khai thực hiện các văn bản quản lý chỉ đạo, điều hành chương trình của cấp trên; tổ chức thực hiện chương trình; lập kế hoạch thực hiện giai đoạn 5 năm và kế hoạch hằng năm; thực hiện và điều chỉnh kế hoạch triển khai chương trình; truyền thông, tăng cường năng lực quản lý chương trình, dự án thành phần…
Tiến độ, mức độ, kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ; khối lượng thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc chương trình. Theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư, dự toán ngân sách nhà nước: Huy động, sử dụng vốn thực hiện chương trình, dự án thành phần; tình hình sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư, nội dung, hoạt động thuộc chương trình, dự án thành phần (giải ngân, thanh toán, quyết toán, nợ đọng vốn xây dựng cơ bản (nếu có).
Theo dõi, kiểm tra năng lực tổ chức thực hiện, việc chấp hành quy định về quản lý chương trình, quản lý đầu tư, biện pháp xử lý các vấn đề vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền phát hiện (nếu có) của chủ dự án thành phần, cơ quan chủ quản chương trình. Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành chế độ giám sát, đánh giá chương trình của chủ dự án thành phần, cơ quan chủ quản chương trình.
Kế hoạch cũng quy định nội dung đánh giá chương trình hàng năm, giữa kỳ, đánh giá kết thúc chương trình cụ thể như: Đánh giá hằng năm là kết quả xây dựng chính sách quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; công tác phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện; hoạt động truyền thông, thông tin và theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình; công tác chấp hành chế độ giám sát của cơ quan dân cử. Tình hình huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn. Mức độ đạt được kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ so với kế hoạch hằng năm, giai đoạn 5 năm được cấp có thẩm quyền giao. Tồn tại, vướng mắc phát sinh và nguyên nhân. Phương hướng, giải pháp thực hiện năm tiếp theo…