Huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Với địa hình đồi núi và điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận thông tin và cơ hội học tập nghề nghiệp để thoát nghèo là một thách thức lớn đối với người dân nơi đây. Tuy nhiên, nhờ các hình thức tuyên truyền đa dạng như loa phóng thanh, thông báo, tờ rơi và sự vào cuộc trực tiếp của các cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn cũng như của nhiều đơn vị đào tạo, hướng nghiệp, đã giúp nhiều người dân hiểu rõ hơn về các cơ hội học nghề, xuất khẩu lao động và du học, từ đó từng bước thay đổi cuộc sống.

Tại Lục Ngạn, hệ thống loa phóng thanh và cùng các tờ rơi, bảng thông báo được sử dụng tối đa để phổ biến các chính sách hỗ trợ của địa phương. Các bản tin được phát thường xuyên trên loa giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin về các khóa đào tạo nghề ngắn hạn và chương trình xuất khẩu lao động. Đồng thời, đội ngũ cán bộ từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cũng trực tiếp đến các gia đình, tư vấn cụ thể từng trường hợp để đảm bảo thông tin đến đúng đối tượng. Chương trình đào tạo nghề ngắn hạn được triển khai tại nhiều xã như Biên Sơn, Tân Lập, Hộ Đáp và Phong Vân. Các lớp học không chỉ cung cấp kiến thức mà còn được thiết kế phù hợp với đặc thù địa phương, từ sửa chữa máy móc nông nghiệp, may thời trang, đến chăn nuôi thú y. Những thông tin về lịch học, hỗ trợ chi phí, và kết quả sau đào tạo đều được công khai rộng rãi, tạo niềm tin và thu hút đông đảo bà con tham gia.

anh Lăng văn chiêu.jpg
Anh Lăng Văn Chiêu biết đến các chương trình đào tạo nghệ là do sự tuyên truyền, thông báo từ xã.

Một trong những minh chứng rõ nét cho hiệu quả của công tác tuyên truyền và đào tạo nghề là câu chuyện của anh Lăng Văn Chiêu, dân tộc Nùng, sinh sống tại thôn Khuôn Trang, xã Hộ Đáp. Trước đây, anh Chiêu làm các công việc nặng nhọc như vác gỗ thuê và khai thác rừng, nhưng thu nhập không ổn định.

Khi chương trình đào tạo nghề được tổ chức tại xã Hộ Đáp, thông tin đã nhanh chóng đến với anh qua các phương tiện thông tin đại chúng. "Tôi đang có nhu cầu học thêm để tìm công việc ổn định hơn. Khi nghe thôn thông báo về lớp sửa chữa máy cơ khí, tôi đã đăng ký tham gia," anh Chiêu chia sẻ.

Sau khi hoàn thành khóa học, được nâng cao tay nghề, anh Chiêu đã mở một xưởng sửa chữa máy cơ khí tại nhà, phục vụ nhu cầu sửa chữa máy nông nghiệp của bà con trong vùng. Xưởng của anh không chỉ giúp anh có thu nhập ổn định mà còn tạo thêm việc làm cho một số lao động địa phương. Anh bày tỏ: "Công việc hiện tại không chỉ đỡ vất vả mà còn giúp tôi tự tin hơn khi làm chủ cuộc sống của mình."

bà Vũ Thị Dự
Bà Vũ Thị Dự, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn thường xuyên có các buổi tuyên truyền, vận động về các khóa đào tạo nghệ cho bà con nông thôn.

Từ đầu năm 2024, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn đã phối hợp tổ chức 32 lớp đào tạo nghề, thu hút hơn 1.000 học viên. Trong đó, nhiều lớp tập trung vào các ngành nghề thiết thực như sửa chữa cơ khí, chăn nuôi thú y và may mặc, giúp học viên dễ dàng áp dụng vào thực tế. Các chính sách hỗ trợ học phí, tài liệu và chi phí đi lại cũng được triển khai đồng bộ, đặc biệt ưu tiên cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Vũ Thị Dự, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn, cho biết: "Song song với công tác tuyên truyền, chúng tôi rất chú trọng đổi mới phương pháp đào tạo nghề, kết hợp lý thuyết với thực hành để bà con tiếp thu dễ dàng. Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát thường xuyên cũng giúp đảm bảo chất lượng các chương trình đào tạo."

công tác tuyên truyền.jpg
Chính quyền địa phương phối hợp cùng các đơn vị đào tạo, hướng nghiệp đến tận nhà để tuyên truyền cho người dân.

Không chỉ dừng lại ở đào tạo nghề, nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa học đã được định hướng tham gia xuất khẩu lao động hoặc du học. Các cán bộ từ các hiệp hội xuất khẩu lao động đã đến từng gia đình để tư vấn về lợi ích kinh tế từ việc xuất khẩu lao động có thời hạn. Qua đó, nhiều thanh niên tại Lục Ngạn đã mạnh dạn bước ra ngoài, mang lại nguồn thu nhập lớn hơn cho gia đình.

Công tác tuyên truyền và đào tạo nghề tại huyện Lục Ngạn không chỉ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn góp phần giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như chăn nuôi gia súc, gia cầm hay trồng cây ăn quả chất lượng cao đã được triển khai rộng rãi, nâng cao thu nhập cho bà con.

Huyện Lục Ngạn đang từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, từ các công việc thu nhập thấp sang các ngành nghề có tay nghề cao hơn. Điều này không chỉ góp phần cải thiện đời sống mà còn giúp xây dựng nông thôn mới vững mạnh, mang lại tương lai tươi sáng hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.