Bà Tô Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cho hay, ngay khi FTA được ký kết và có hiệu lực, Sở Công Thương Thái Bình đã kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện FTA mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.

Trong đó Sở Công Thương đã tập trung vào công tác tuyên truyền, đặc biệt đã phối hợp với các đơn vị Cục, Vụ của Bộ Công Thương tổ chức một số hội nghị tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nắm được những thông tin cũng như những quy định của các hiệp định.

sanpham.png

Bên cạnh đó, Sở tổ chức với nhiều hình thức khác nhau như biên soạn sổ tay, cẩm nang hoặc phối hợp với các cơ quan truyền thông để xây dựng các chuyên đề, chuyên mục về hội nhập kinh tế, về các FTA để người dân và doanh nghiệp cùng nắm được.

Đặc biệt trong những năm gần đây, Sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin được chuyển đổi số vào các hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao năng lực cũng như quy mô sản xuất đối với một số mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực của tỉnh.

Cùng với đó là công tác cải cách thủ tục hành chính và đặc biệt là Sở Công Thương Thái Bình được Bộ Công Thương thành lập Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Thái Bình để thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và một số doanh nghiệp xung quanh.

"Công tác tuyên truyền về các FTA đã góp phần không nhỏ vào nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh và cũng góp phần vào thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của tỉnh Thái Bình trong thời gian vừa qua"- bà Tô Thị Hương Lan nhấn mạnh.

Lương Bằng và nhóm PV, BTV