Theo kết quả bốc thăm, tuyển Việt Nam rơi vào bảng F, gặp các đối thủ Philippines, Iraq và đội thắng cặp Indonesia vs Brunei.
Đây là bảng đấu được đánh giá là "dễ thở" với đoàn quân của HLV Philippe Troussier, bởi ngoài Iraq được đánh giá cao, các đối thủ còn lại gồm Philippines và khả năng cao là Indonesia đều quá quen thuộc với tuyển Việt Nam.
Trong khi đó, kình địch của tuyển Việt Nam là Thái Lan rơi vào bảng C rất khó khăn, gặp Hàn Quốc, Trung Quốc, đội thắng cặp Singapore vs Guam.
Vòng loại 2 có 36 đội tham dự, trong đó có có top 26 đội hàng đầu châu Á tính theo BXH FIFA, còn lại là 10 đội thắng trận ở vòng loại 1.
Các đội có mặt ở vòng 2 chia làm 9 bảng, mỗi bảng 4 đội, thi đấu vòng tròn hai lượt (sân nhà – sân khách) từ tháng 11/2023 đến tháng 6/2024 để tính điểm xếp hạng. Đội đứng đầu và thứ thứ hai tại mỗi bảng giành quyền vào vòng 3 (tổng cộng 18 đội), đồng thời giành suất trực tiếp tham dự VCK Asian Cup 2027. Các đội còn lại vào thẳng vòng loại cuối cùng của Asian Cup 2027.
Lễ bốc thăm vòng 3 World Cup 2026 khu vực châu Á diễn ra vào năm 2024. Mười tám đội thắng tại vòng loại 2 được chia vào 3 bảng, mỗi bảng 6 đội thi đấu vòng tròn hai lượt (sân nhà-sân khách) tính điểm. Hai đội đứng đầu và thứ 2 mỗi bảng giành vé đến World Cup 2026, các đội xếp thứ 3 và thứ 4 mỗi bảng (tổng cộng 6 đội) vào vòng 4 hay còn được gọi là vòng play-off châu Á.
Sáu đội tại vòng play-off châu Á được chia vào 2 bảng, mỗi bảng 3 đội, thi đấu theo thể thức vòng tròn 1 lượt tính điểm tại địa điểm tập trung. Hai đội đứng đầu của 2 bảng giành quyền tham dự World Cup 2026, trong khi các đội đứng thứ 2 ở cả hai bảng thi đấu loại trực tiếp theo thể thức sân nhà và sân khách để xác định đội thi đấu trận play-off liên lục địa.
Dưới thời HLV Park Hang Seo, tuyển Việt Nam vào tới vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Hy vọng với việc rơi vào bảng đấu không quá khó khăn, HLV Philippe Troussier cùng các học trò còn làm tốt hơn người tiền nhiệm để thực hiện được giấc mơ World Cup.
Kết quả bốc thăm vòng loại thứ 2 World Cup 2026:
Bảng A: Qatar, Ấn Độ, Kuwait, Afghanistan hoặc Mongolia
Bảng B: Nhật Bản, Syria, Triều Tiên, Myanmar hoặc Macao (Trung Quốc)
Bảng C: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore hoặc Guam
Bảng D: Oman, Kyrgyzstan, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) hoặc Timor Leste
Bảng E: Iran,Turkmenistan, Uzbekistan, Hong Kong (Trung Quốc) hoặc Bhutan
Bảng F: Philippines, Việt Nam, Iraq, Indonesia hoặc Brunei
Bảng G: Tajikistan, Jordan, Saudi Arabia, Campuchia hoặc Pakistan
Bảng H: Bahrain, UAE, Yemen hoặc Sri Lanka, Nepal hoặc Lào
Bảng I: Lebanon, Palestine, Australia, Maldives hoặc Bangladesh