Nhiều bất cập trong xét duyệt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước được đưa ra bàn thảo.

Sáng 22/8, Bộ VHTT&DL tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” bởi theo Vụ Thi đua khen thưởng qua đợt xét tặng năm 2016 vừa qua có nhiều bất cập.

Cụ thể 2 nội dung chưa phù hợp là: Quy định về tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng và Quy định về tỉ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng các cấp.  

{keywords}
Nhiếu ý kiến góp ý tại buổi Hội thảo

Theo quy định về tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng để được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước phải đạt một trong các tiêu chuẩn: Đã được Giải Vàng, Giải A hoặc Giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT cấp quốc gia do Bộ VHTTDL tổ chức. Hoặc đã được Giải thưởng cao nhất của Hội VHNT chuyên ngành trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT quốc tế.

Theo nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, nên bỏ cơ chế xin – cho bởi có hiện trạng có nghệ sĩ chỉ xin xét duyệt trong đơn Giải thưởng Nhà nước nhưng thực tế có khi họ xứng đáng giải thưởng Hồ Chí Minh và ngược lại. Thế nhưng vì cơ chế xin gì duyệt đó nên có một vài trường hợp lại thiệt thòi, có trường hợp lại với quá cao rồi trượt.

Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường cũng cảm thấy rất bất cập với quy định có đủ huy chương vàng. “Đời sáng tác mỹ thuật nhiều lắm là 20 năm, suốt 20 làm nghề thì có 4 triển lãm cấp quốc gia (5 năm/1 lần), không phải dễ có được huy chương vàng, vì nhiều triển lãm không tìm ra huy chương vàng, cũng không chắc rằng nghệ sĩ đó được mời tham gia cả 4 kỳ triển lãm đó. Trong khi đó, nếu so với sân khấu, mỗi lần hội diễn sân khấu là mấy chục huy chương. Chưa kể, hội diễn sân khấu diễn ra định kỳ có 2-3 năm/lần. Ngoài ra, có những ngành của Mỹ thuật như tượng đài không chấm huy chương. Vì vậy nếu áp dụng tỉ lệ huy chương, giải thưởng cho tất cả các chuyên ngành là không công bằng. Không thể cho tất cả các ngành VHNT vào 1 giỏ được” - Ông Cường chia sẻ.

Ông Cường cũng thêm ý kiến về việc bỏ phiếu đồng bình bầu như hiện nay phải đạt 90% thì mới được duyệt là hơi hạn chế. “Cá tính nghệ sĩ lớn, trong khi đó không phải tác phẩm ít phiếu bầu là tác phẩm tồi. Chỉ cần một người trong hội đồng không hiểu về nghề lắm, không bỏ phiếu là chết rồi. Tôi nghĩ hội đồng nên có nhiều người có nghề hơn”, ông Cường nói.

Theo quy định tỉ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng các cấp phải đạt 90% mới được trình lên cấp cao hơn. Theo nhiều đại biểu, quy định này là quá khó khăn và phải hạ xuống còn 75 - 80% là vừa. 

Ông Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: “Khi xét giải tỷ lệ 90% số phiếu là quá cao. Đừng để 1 người nắm phiếu quyết định, chỉ 1 người không bỏ phiếu là “chết”. Chỉ cần tỷ lệ 75% là vừa", ông Sơn nêu ý kiến.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng, tỷ lệ phiếu bầu cùng lắm là 80%.

Hội nghị tập trung và ghi nhận tất cả các ý kiến của các đại biểu. Dự kiến, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật sẽ được áp dụng năm 2020.

Tình Lê