Tuần trước, nhà chức trách thành phố Quảng Châu, Trung Quốc đã khám xét văn phòng của công ty dịch vụ gọi taxi kiểu mới Uber tại đây và thu giữ nhiều điện thoại và trang thiết bị. Đây được xem là trở ngại mới nhất đối với hoạt động của Uber tại Trung Quốc.

{keywords}

Theo tờ Wall Street Journal, các quan chức từ cơ quan giao thông, công an và cơ quan cấp phép kinh doanh của Quảng Châu đã tiến hành vụ khám xét văn phòng của Uber vào hôm thứ Năm. Cuộc điều tra của cơ quan chức năng thành phố này đối với Uber vẫn tiếp tục diễn ra.

Tờ Nhật báo Quảng Châu dẫn thông tin từ cơ quan giao thông của thành phố nói, Uber “tổ chức các lái xe tư không có đủ năng lực tham gia vào các hoạt động kinh doanh”.

Còn Tân Hoa Xã cho biết, vụ khám xét văn phòng của Uber nằm trong một chiến dịch nhằm vào các dịch vụ taxi trái phép nói chung, và Uber không phải là mục tiêu cụ thể duy nhất trong chiến dịch này.

Một phát ngôn viên của Uber tại Singapore cho biết, Uber “đang hợp tác chặt chẽ với chính quyền sở tại để tiếp tục cung cấp dịch vụ cho cư dân Quảng Châu”. Khi được hỏi liệu vụ khám xét có ảnh hưởng như thế nào đến dịch vụ ở Uber ở thành phố có 13 triệu dân Quảng Châu, phát ngôn viên này nói Uber vẫn “đang hoạt động” ở đó, nhưng không nói chi tiết.

Các ứng dụng gọi taxi đang phát triển với tốc độ bùng nổ ở Trung Quốc. Trong mấy tháng gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã tìm nhiều cách để điều tiết hoạt động mới này.

Hồi đầu tháng 1 vừa qua, Bộ Giao thông Trung Quốc tuyên bố, các chủ sở hữu xe tư nhân bị cấm sử dụng các ứng dụng gọi xe để đón khách nhằm thu lợi nhuận.

Trước đó, vào tháng 12/2014, cảnh sát ở thành phố Trùng Khánh ập vào khám xét một lớp học đào tạo do Uber tổ chức.

Hiện Uber - công ty có mức định giá khoảng 40 tỷ USD - đã có mặt ở một loạt thành phố ở Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Vũ Hán và Thành Đô.

Tháng 12 năm ngoái, Uber tuyên bố hợp tác với công cụ tìm kiếm khổng lồ Baidu của Trung Quốc. Vụ hợp tác này được cho là để giúp Uber tiếp cận với một đối tác Trung Quốc có quan hệ tốt với Chính phủ nước này, nhằm vượt qua những rào cản về pháp lý có thể vấp phải.

Mức độ cạnh tranh giữa các ứng dụng gọi taxi ở Trung Quốc đang rất mạnh trong bối cảnh thị trường gần như đã bão hòa. Các công ty Internet khổng lồ như Alibaba và Tencent đều đã đầu tư vào các ứng dụng thuộc lĩnh vực này như Didi Dache và Kuadi Dache nhằm giành vị thế thống trị ở thị trường người dùng Internet đông đảo nhất thế giới.

Thách thức đối với Uber ở Trung Quốc càng tăng thêm khi Didi Dache và Kuaidi Dache sáp nhập vào hồi tháng 2 năm nay. Hai ứng dụng này đang thống lĩnh thị trường ứng dụng gọi taxi ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tại các quốc gia khác, Uber đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, nhưng cũng liên tục vấp phải các trở ngại về pháp lý. Công ty này đã bị khởi kiện và cấm ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ, Hà Lan…

Theo Dân Việt