Hiện, tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Vương quốc Anh từ sau khi thực thi Hiệp định UKVFTA khởi sắc rõ nét.
Chia sẻ với báo chí về tác động của Hiệp định UKVFTA đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Anh tại Việt Nam, ông Bob Fletcher - Giám đốc Dịch vụ hải quan và Thương mại toàn cầu, Deloitte Vietnam trên cơ sở kinh nghiệm và quan sát thực tế, nhấn mạnh, trong quá trình liên kết, hợp tác, chuyển giao công nghệ và tham gia chuỗi cung ứng cũng như hợp tác xây dựng thương hiệu với các doanh nghiệp Anh, một số lợi ích mà các doanh nghiệp Việt Nam nhận được đầu tiên phải kể đến là việc tiếp cận các thị trường mới, tận dụng mạng lưới và kiến thức chuyên môn về các thị trường quốc tế của các doanh nghiệp Anh giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng việc xuất khẩu sang các thị trường mới, đa dạng hóa khách hàng và tăng cường doanh thu xuất khẩu.
Còn về tối ưu hóa quản lý chuỗi cung ứng, thông qua hợp tác với các doanh nghiệp Anh, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội hợp lý hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả. Từ đó, thời gian giao hàng nhanh hơn, quản lý hàng tồn kho tốt hơn và tránh lãng phí trong quá trình sản xuất.
Đối với việc nâng cao năng lực công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận các công nghệ tiên tiến của Vương quốc Anh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội được tiếp xúc các tiêu chuẩn cao của thị trường Anh, điều này sẽ giúp cải thiện hiệu suất tiêu chuẩn đối với các doanh nghiệp Việt Nam và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình hoạt động.
Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội truy cập những kiến thức chuyên môn, cơ hội đào tạo quý giá khi hợp tác với các doanh nghiệp của Vương quốc Anh, từ đó nâng cao kỹ năng, năng lực của các nhân viên Việt Nam. Đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội nâng cao uy tín và sự nhận diện trên thị trường trong nước và quốc tế. Từ đó dẫn đến tăng cường niềm tin của người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về thương hiệu và lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, do sự kỹ tính của người tiêu dùng tại một số thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu cần đáp ứng hoặc vượt mức tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng các chương trình sẵn có của Chính phủ, đồng thời liên hệ với các cơ quan xúc tiến thương mại, các phòng kinh doanh có chức năng hỗ trợ hợp tác kinh doanh, chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Anh.
Đặc biệt, tận dụng các công nghệ kỹ thuật số và các nền tảng thương mại điện tử để mở rộng phạm vi tìm kiếm, tiếp tận thị trường, kết nối với người tiêu dùng một cách hiệu quả. Đồng thời sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để quản lý chuối cung ứng, quản lý quan hệ khách hàng cũng như marketing trực tuyến.