Về phía Việt Nam, với nền tảng là những cam kết tiến bộ, tiêu chuẩn cao của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), UKVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp nối động lực thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư của hai bên trong những năm tới.
Về thúc đẩy xuất khẩu, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi lớn từ UKVFTA gồm: Thủy hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày…
Đối với ngành thủy sản: Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang vương quốc Anh đạt 298,2 triệu USD, chiếm 6,7% tổng kim ngạch nhập khẩu ngành hàng này của Anh. Với Hiệp định UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các nhóm hàng có lợi thế sớm nhất trong nhóm thủy, hải sản là tôm và một số loại cá (cá tra). Theo đó, những ngành chế biến tôm và cá tra sẽ có cơ hội thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu cũng như có triển vọng thu hút đầu tư để tận dụng các cam kết này.
Đối với ngành dệt may: Dự báo của Bộ KH&ĐT về kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có hiệp định. Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030. Do đó, những lợi ích này cũng sẽ nhìn thấy được từ thị trường Anh thông qua UKVFTA. Hiện tại, xuất khẩu của ngành dệt may của Việt Nam sang Anh chỉ chiếm 2,77% tổng lượng nhập khẩu vào thị trường Anh. Do đó ngành này vẫn còn dư địa rất lớn để phát triển và gia tăng kim ngạch. Ngoài ra, với những cam kết về cộng gộp đối với nguyên liệu vải từ Hàn Quốc và EU sẽ giúp các sản phẩm dệt may sẽ thúc đẩy mở rộng nguồn cung nguyên liệu trong ngành này để tận hưởng ưu đãi, tránh bị phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.
Đối với mặt hàng gạo: Anh là thị trường xuất khẩu gạo rất tiềm năng cho Việt Nam với những cam kết từ UKVFTA. Năm 2019, xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Anh đã có bước nhảy vọt với mức tăng trưởng kim ngạch lên đến 376% so với năm 2018. Với những cơ hội mang lại từ hiệp định này, gạo xuất xứ từ Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ. Ngoài ra, Anh còn cam kết sẽ rà soát nâng lượng hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực. Đây cũng sẽ là cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu gạo vào thị trường này.
Trong UKVFTA, bên cạnh gạo, Anh còn cam kết bổ sung về lượng TRQ đối với hơn 10 mặt hàng khác như trứng, tỏi, ngô ngọt, tinh bột sắn, surimi... Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi Anh là một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng các mặt hàng ta được hưởng ưu đãi TRQ (ví dụ như gạo, tinh bột sắn, surimi).
Đối với ngành gỗ: Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu lớn đồ gỗ và nội thất vào Anh, cụ thể năm 2019 là nước xuất khẩu gỗ nhiều thứ 6 vào thị trường Anh với giá trị xuất khẩu trên 421,8 triệu USD, chiếm 3,6% thị phần nhập khẩu ngành hàng gỗ của Anh. Với UKVFTA, nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ có thuế suất về 0% trong vòng 5 năm (gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2-10%). Do đó, ngành gỗ của Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này.
Đối với mặt hàng rau quả: UKVFTA khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như: Vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… Với nhu cầu nhập khẩu rau quả lớn cũng như thị hiếu tiêu dùng của người dân Anh đối với các loại sản phẩm hoa quả nhiệt đới, trong thời gian tới, ngành xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Anh một cách thuận lợi hơn và thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Ngoài ra, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho DN, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Anh tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ Anh trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và năng lượng sạch. Bên cạnh đó, những cơ hội về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi hóa cũng như cải cách thể chế sẽ tiếp tục được cộng hưởng từ EVFTA khi triển khai thực thi UKVFTA.
Quang Ninh, Minh Hưng, Nguyễn Doanh, Bạch Hân, Hồng Nhì, Ngọc Dũng