Từ trước khi Công ước Luật Biển 1982 ra đời, Việt Nam đã tích cực vận dụng các quy định liên quan của pháp luật quốc tế để xây dựng các văn bản pháp luật trong nước về biển.

Năm 1977, Việt Nam đã ban hành “Tuyên bố của Chính phủ về các vùng biển Việt Nam”, trong đó xác lập vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, không chỉ giới hạn trong quyền đánh cá mà còn có các quyền chủ quyền và quyền tài phán khác. Tuyên bố này được đưa ra khi Công ước Luật Biển 1982 đang được xây dựng, phản ánh xu thế được đa số các nước ủng hộ tại Hội nghị Luật Biển lần thứ 3, thể hiện sự đóng góp của Việt Nam vào quá trình pháp điển hóa tiến bộ luật biển quốc tế.

Với Tuyên bố này, Việt Nam cùng với các quốc gia khác như Kenya, Myanmar, Cu Ba, Yemen, Cộng hòa Dominica, Guatemala, Ấn Độ, Pakistan, Mexico, Seychelles được coi như những quốc gia tiên phong trong việc đưa khái niệm vùng đặc quyền kinh tế trở thành khái niệm có giá trị tập quán và sau này trở thành một nội dung quan trọng của Công ước Luật Biển 1982.

Việt Nam là một trong số 107 quốc gia tham gia ký Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 ngay trong ngày văn bản này được mở và để ký. Suốt thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động.

W-biendong.png
Một góc biển Cam Ranh (Khánh Hoà)

Cuối năm ngoái, tại Hội thảo lần thứ năm của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về vận dụng UNCLOS 1982 và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên trên biển diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh vai trò thiết yếu của biển cả đối với sự sống của con người, cũng như tầm quan trọng của biển và đại dương trong phát triển bền vững.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức, Thứ trưởng một lần nữa khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của UNCLOS 1982 - được coi như bản hiến pháp quốc tế của biển và đại dương.

Thời gian qua, tranh chấp lãnh thổ, cạnh tranh chiến lược, căng thẳng trên thực địa cũng như biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và việc khai thác không bền vững biển, đại dương đặt Biển Đông, vùng biển có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế, trước nhiều nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định, ảnh hưởng tới an ninh, an toàn hàng hải của khu vực.

Mặt khác, UNCLOS tiếp tục chứng tỏ vai trò không thể thay thế trong giải quyết các vấn đề và tranh chấp trên biển, là nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển khuôn khổ pháp lý quốc tế để giải quyết các thách thức nổi lên.

Minh chứng cho điều này là những sự kiện quan trọng trong năm qua như: hoàn thành đàm phán Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ), hay việc một số nước hỏi ý kiến và tham gia tiến trình Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS) tiến hành xem xét và cho ý kiến tư vấn về quy định của UNCLOS liên quan đến phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu, cũng như tiến trình đàm phán Công ước về Rác thải nhựa, trong đó có rác nhựa đại dương.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho rằng, hơn lúc nào hết, các quốc gia chỉ có thể tìm được giải pháp cho các vấn đề trên biển trong khu vực thông qua thúc đẩy hợp tác, bằng cách tôn trọng và thực thi đầy đủ UNCLOS. 

UNCLOS 1982 tiếp tục đứng vững phép thử của thời gian, là cơ sở quan trọng để các quốc gia trong khu vực tăng cường lòng tin, thúc đẩy các hợp tác vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng; nhấn mạnh mọi tranh chấp và các vấn đề liên quan đến biển và đại dương trong khu vực cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Nhóm PV