Tròn 30 năm kể từ ngày Việt Nam phê chuẩn và bước vào thực thi UNCLOS
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) được mở ký chính thức ngày 10/12/1982. Công ước đã được 167 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn và có hiệu lực từ năm 1994.
Năm 2024 cũng đánh dấu chặng đường tròn 30 năm kể từ ngày Việt Nam phê chuẩn và bước vào thực thi UNCLOS.
Trong 3 thập kỷ qua, với tư cách là một quốc gia thành viên tích cực và có trách nhiệm của Công ước, Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng kể trong quá trình thực thi UNCLOS như ban hành luật pháp quốc gia, hoàn thành phân định biển với hầu hết các nước và quản lý tài nguyên biển phù hợp với các quy định của UNCLOS.
Việt Nam đồng sáng lập Nhóm bạn bè của UNCLOS tại Liên hợp quốc với gần 120 quốc gia thành viên và đã tích cực điều phối các hoạt động thúc đẩy tuân thủ và bảo vệ tính toàn vẹn của UNCLOS.
Việt Nam cũng tham gia tích cực vào các thủ tục xin ý kiến tư vấn Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) và Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về nghĩa vụ quốc gia trong vấn đề biến đổi khí hậu theo luật pháp quốc tế và UNCLOS, đồng thời giới thiệu ứng cử viên vào vị trí Thẩm phán ITLOS nhiệm kỳ 2026-2035 với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc thúc đẩy thực thi Công ước trên phạm vi toàn cầu.
Việt Nam luôn coi trọng các hoạt động kinh tế biển trong chiến lược bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước, cũng như cam kết sẽ tích cực tham gia chuẩn bị và có đóng góp thực chất tại Hội nghị Đại dương lần thứ 3 của Liên hợp quốc về thực hiện SDG 14 năm 2025.
UNCLOS cung cấp khuôn khổ pháp lý điều chỉnh các yêu sách và hoạt động của các nước về biển
Từ khi được thông qua cho tới nay, UNCLOS luôn được coi là một trong những điều ước quốc tế phổ quát, mang tính nền tảng nhất trong quan hệ giữa các quốc gia. UNCLOS đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác quốc tế và sự phát triển bền vững của các quốc gia về các vấn đề biển, đại dương vốn chiếm tới 70% diện tích toàn cầu, cùng rất nhiều nguồn lợi, tài nguyên lớn.
Trong giải quyết các tranh chấp liên quan tới biển trên thế giới nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, trong đó có tranh chấp Biển Đông, UNCLOS cung cấp khuôn khổ pháp lý điều chỉnh các yêu sách và hoạt động của các nước về biển. Do đó, UNCLOS có vai trò nền tảng trong giải quyết các tranh chấp biển trên thế giới, cụ thể ở các góc độ chính sau.
Trước hết, UNCLOS đề ra các quy định để các nước đưa ra các yêu sách biển, qua đó hạn chế các yêu sách quá mức, thiếu cơ sở từng có trước đây, phòng ngừa việc phát sinh va chạm và mâu thuẫn. Nếu phát sinh khác biệt giữa các nước, như các vùng biển chồng lấn, hoặc những khác biệt khách quan trong việc áp dụng và giải thích Công ước, thì Công ước có quy định cụ thể về quy trình, thủ tục cũng như thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp, như Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS), cũng như các cơ chế trọng tài, hòa giải, các biện pháp tạm thời... mà các quốc gia có thể linh hoạt lựa chọn. Đặc biệt, UNCLOS khẳng định nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Ngoài ra, các quy định, cơ chế được UNCLOS đề ra cũng được nhiều cơ chế pháp lý quốc tế như Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), các tòa án khu vực, hoặc chính các quốc gia liên quan các tranh chấp vận dụng trong quá trình xử lý các vụ việc.
Cũng như các khu vực khác trên thế giới, các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các nước Đông Nam Á đều hết sức coi trọng và sử dụng UNCLOS trong giải quyết tranh chấp biển, từ việc đề cao nguyên tắc hoà bình giải quyết các tranh chấp, đến việc đạt giải pháp về các vụ việc cụ thể. Các kết quả quan trọng như DOC, giải quyết tranh chấp giữa Malaysia và Singapore về cải tạo đảo (2003), giữa Australia và Timor Leste về phân định biển (2018), giữa Philippines và Trung Quốc (2016)... đều dựa vào các quy định của UNCLOS.