Từ khi được thông qua cho tới nay, UNCLOS luôn được coi là một trong những điều ước quốc tế phổ quát, mang tính nền tảng nhất trong quan hệ giữa các quốc gia. UNCLOS đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác quốc tế và sự phát triển bền vững của các quốc gia về các vấn đề biển, đại dương vốn chiếm tới 70% diện tích toàn cầu, cùng rất nhiều nguồn lợi, tài nguyên lớn. 

Một góc biển Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trả lời phỏng vấn báo chí tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã chia sẻ về vai trò quan trọng của UNCLOS thể hiện ở những nét chính sau:

Thứ nhất, UNCLOS 1982 là điều ước quốc tế mang tính bao quát, toàn diện nhất về các vấn đề biển, đại dương, điều chỉnh toàn diện và cân bằng giữa quyền của các quốc gia ven biển và quyền tự do biển cả của các nước khác.

Do đó, UNCLOS thường được coi như “Hiến pháp của các đại dương,” được tuyệt đại đa số các nước trên thế giới công nhận là khuôn khổ pháp lý toàn cầu điều chỉnh mọi hoạt động trên biển.

Thứ hai, Công ước là căn cứ để các nước xác lập các yêu sách biển khác nhau phù hợp luật pháp quốc tế, giảm bớt những yêu sách biển quá mức, từ đó giúp giảm thiểu các tranh chấp hoặc tạo cơ sở để các bên tranh chấp có thêm cơ sở pháp lý rõ ràng, hệ thống để giải quyết các khác biệt một cách hoà bình. UNCLOS cũng xây dựng các cơ chế pháp lý để giải quyết các tranh chấp biển.

Thứ ba, Công ước cũng là căn cứ để cộng đồng quốc tế triển khai các hoạt động trên biển, sử dụng tài nguyên biển dựa trên những quy định chung, thống nhất, như các hoạt động vận tải biển, khai thác dầu khí... UNCLOS tạo ra không gian để sử dụng tài nguyên biển cùng lúc với nghĩa vụ bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển.

Trên cơ sở UNCLOS, các nước tiếp tục đàm phán các thỏa thuận khu vực và quốc tế, cụ thể hoá các lĩnh vực hợp tác quản lý biển, như Hiệp định đàn cá di cư năm 1994 hay văn kiện đang được đàm phán về đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia (BBNJ), hay Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) cho khu vực Biển Đông. UNCLOS cũng giúp xác định các biện pháp đối phó với những mối đe dọa chung liên quan đến biển, như cướp biển, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường biển.

"Quá trình hình thành và phát triển của UNCLOS luôn song hành với nhu cầu và quyết tâm phát triển bền vững của xã hội quốc tế hiện đại. Với những tác động quan trọng đó, UNCLOS đã góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia về biển, thúc đẩy các hoạt động khai thác biển, mang lại khả năng sử dụng những nguồn lợi lớn, lâu dài từ biển", Đại sứ Đặng Hoàng Giang trả lời TTXVN.

Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh hoạt động trên biển ngày càng tăng về tần suất và đa dạng về loại hình, đặt ra các thách thức lớn về biển, các hội nghị đại dương năm 2017 và 2022 là diễn đàn chính thức của Liên hợp quốc thảo luận về phương hướng phát triển bền vững biển và đại dương đều khẳng định việc thực hiện nghiêm túc UNCLOS không chỉ là khuôn khổ mà còn là tiêu chí để sớm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, vì sự phát triển của tất cả các quốc gia.

Tuấn Anh, Thu Thủy, Nguyễn Vịnh