Là một đất nước nông nghiệp, Việt Nam có rất nhiều ngành hàng nông sản, từ: Lúa gạo, cà phê, cho đến thủy, hải sản... Các ngành hàng này đang đóng vai trò như những xương sống của ngành nông nghiệp trong nước. Tuy đã đạt được nhiều thành tựu không nhỏ, nhưng về bản chất, các ngành hàng nông sản vẫn còn mang nhiều đặc trưng của một nền sản xuất nông nghiệp tự cấp, tự túc. Khi bước vào nền sản xuất hàng hoá, hầu hết các ngành hàng nông sản trong nước luôn gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với ngành hàng nông sản, biểu hiện thường thấy, đồng thời là căn bệnh kinh niên nhiều năm qua chính là: Được mùa, mất giá; được giá, mất mùa; trồng nhiều rồi chặt, hết chặt lại trồng ồ ạt... Vì thế, cho đến nay, các ngành hàng nông sản chưa bao giờ thực sự phát triển bền vững. Và... chúng ta vẫn ở tình thế loay hoay trong điệp khúc “được mùa, mất giá” này.

W-nongsan-4.png
Ảnh minh hoạ

Thực tế cho thấy, việc áp dụng công nghệ sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản mặc dù có được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Ngoài ra, quá trình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp hiện nay vẫn chủ yếu theo mô hình hộ cá thể, gây khó khăn trong nâng cao năng lực sản xuất và ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng chuỗi giá trị. 

Để hướng tới nền sản xuất thực sự minh bạch, thì cần minh bạch từ khâu sản xuất. Muốn vậy, phải thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi thủy sản, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thị trường”.

Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân. Từ đó, tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, đồng thời góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, vừa cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, vừa tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng "được mùa, mất giá".

Cuối năm ngoái, tại diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: “Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc”, đại biểu các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long đã rất quan tâm chia sẻ về thực trạng và giải pháp thúc đẩy mối liên kết và tiêu thụ nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc; ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc dựa trên nền tảng công nghệ blockchain; các giải pháp thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Trước sự quan tâm đặc biệt của những người tham dự, đại diện các trung tâm khuyến nông, dịch vụ nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã dành phần lớn thời gian để trình bày về một số mô hình ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, chứng nhận hiệu quả kinh tế cao; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc. Các giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm đạt chuẩn an toàn thực phẩm; vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp…

Nguyễn Thị Lê, Nguyễn Ngọc Quý, Đỗ Thị Thúy Nga, Nguyễn Thái Khang