Mời quý độc giả theo dõi video:

Ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp là một trong những hướng đi xây dựng nông thôn mới ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, huyện đã vận động, khuyến khích các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tích tụ đất đai thông qua các hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê, góp đất để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. 

Đồng thời tạo điều kiện về mặt thủ tục, chính sách để người nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Điển hình như gia đình chị Lê Tươi, xã Nga Thạch đã mạnh dạn ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất.

Chồng chị Tươi là anh Nguyễn Văn Nam từng có thời gian làm ăn xa quê. Tuy nhiên, công việc bấp bênh nên anh luôn mong một ngày nào đó sẽ về khởi nghiệp tại quê nhà. Trong một lần đọc được bài báo về phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại vùng ven biển, anh Nam đã nảy sinh ý định trồng dưa lưới theo công nghệ cao tại quê nhà. Những ý tưởng của anh được chị Tươi ủng hộ và đồng hành.

Năm 2018, vợ chồng chị đã đấu thầu 5 ha đất để xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô. Trong 5 ha ấy, anh chị xây lắp 4 ha nhà lưới và đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ của Israel, nhà lưới được thiết kế tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời, có hệ thống làm mát, điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, giảm thiểu tác động của thời tiết. 

Quy trình trồng, chăm sóc đều tuân thủ nghiêm ngặt sản xuất sạch, phân bón sử dụng cho cây hoàn toàn là phân vi sinh hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Công nghệ tưới tự động giúp đảm bảo phân bố ẩm độ đều cho cây. Cung cấp chính xác lượng dinh dưỡng cho cây theo nhu cầu, nhờ đó, cây trồng sinh trưởng và phát triển, chất lượng trái đồng đều trên toàn bộ diện tích.

Hệ thống tưới gồm bộ điều khiển trung tâm, van nước, van khu vực, ống chính, ống nhánh và thiết bị dây nhỏ giọt cắm vào đất. Với hệ thống này, anh chị tiết kiệm được nhân công, thời gian.

Mới đây, chị đã thử nghiệm thêm việc theo dõi sự sinh trưởng của một diện tích trồng dưa nhỏ qua app theo dõi. Nếu hiệu quả, chị sẽ nhân rộng toàn bộ mô hình.

Hiện nay mô hình trồng dưa của vợ chồng chị Tươi đưa ra thị trường khoảng 200 tấn/năm. Doanh thu đạt khoảng hơn 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 7 - 12 lao động, với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Vợ chồng chị Tươi còn đẩy mạnh sản xuất, hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm và đăng ký tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng trang website nhằm mở rộng quảng bá sản phẩm.

Các sản phẩm dưa sau khi thu hoạch, ngoài bán cho thương lái, đưa vào siêu thị, chị Tươi còn sử dụng công nghệ sấy lạnh, sấy dưa thành sản phẩm mứt, giúp tăng khả năng tiếp cận thị trường, đa dạng nhiều nguồn khách.

Đặc biệt, với nhiều ưu điểm từ nhà lưới, vợ chồng chị Tươi có thể trồng xen canh các loại cây khác, trồng đu đủ lấy hoa trong khun viên và nuôi ong lấy mật, giúp mang lại thu nhập quanh năm. 

Trong công cuộc chuyển đổi số của địa phương, nắm bắt xu hướng, chị Tươi thường xuyên bán hàng qua môi trường mạng, livestream bán hàng, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Nhờ đó, khách mua không chỉ giới hạn trong xã Nga Thạch mà còn từ các xã, huyện khác.

Có thể thấy, với những chủ trương đúng đắn và sự quyết liệt của các cấp chính quyền, trong sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân từng bước được nâng cao, kinh tế phát triển, bộ mặt nông thôn mới của huyện Nga Sơn ngày càng khởi sắc.