Tại Hội thảo khoa học Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TS Phạm Đình Dũng - trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHTP) - cho biết TP.HCM có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đô thị hóa diễn ra rất nhanh, đặc biệt trong 15 năm gần đây. 

Theo TS Dũng, hiện trên địa bàn TP, diện tích đất nông nghiệp giảm liên tục hằng năm. Giai đoạn 2010-2015, mỗi năm TP giảm 700ha đất nông nghiệp, giai đoạn 2015-2020 mỗi năm giảm thêm 1.000ha.

Điều này đòi hỏi phải có những thay đổi lớn trong phát triển nông nghiệp.

Định hướng của Thành phố Hồ Chí Minh là phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản sẽ giúp nông dân TP.HCM nâng cao hiệu suất sử dụng đất, duy trì được niềm tin của khách hàng, tăng cao thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường....

Bởi vậy, Thành phố đang triển khai thực hiện Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản”.

nongsan.png
Ảnh minh hoạ

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Thành phố triển khai Đề án thông qua việc xây dựng và vận hành phần mềm chuyển đổi số, công nghệ số trong hoạt động thu thập thông tin, phân tích, dự vào tình hình thị trường nông sản đảm bảo yêu cầu thống nhất, chính xác, kịp thời; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản; tổ chức hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các nội dung của Đề án.

Trong đó, giao Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về giá cả thị trường vào kho dữ liệu chung và truyền tải thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã; đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản.

Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản" đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 hoàn thành xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung của ngành nông nghiệp (data warehouse/kho dữ liệu) chuyên sâu phục vụ phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản; hoàn thành xây dựng công cụ, phần mềm phục vụ thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia và sản phẩm có tiềm năng phát triển quy mô lớn.

Hoàn thành thiết lập hệ thống mạng lưới cung cấp, kết nối thông tin thường xuyên, định kỳ về trung tâm dữ liệu tập trung; 100% cán bộ thuộc hệ thống mạng lưới được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống. Thông tin, dữ liệu về tình hình thị trường nông sản được thu thập thường xuyên phục vụ phân tích, dự báo, đảm bảo tính thống nhất, chính xác và kịp thời cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các hợp tác xã,…

Nguyễn Hoài Linh, Hoàng Thúy An, Vũ Thị Thúy Ngân