Theo nguồn tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 27/10/2018, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Trung tâm công nghệ Vi điện tử và Tin học đã tổ chức Hội thảo khoa học “Các công nghệ ứng dụng trong quản lý, điều hành tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ phục vụ nội dung nghiên cứu của Đề tài KH&CN độc lập cấp Quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển bền vững Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng” (Mã số: ĐTĐL.CN-35/17).

Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh theo Bộ KH&CN

Báo cáo tổng quan về các nội dung triển khai của đề tài, ông Nguyễn Trần Hậu, Chủ nhiệm đề tài đã đề cập đến tình hình triển khai đề tài từ khi bắt đầu đến nay. Theo đó, trong thời gian 1 năm từ khi bắt đầu ký hợp đồng thực hiện, đơn vị chủ trì đã phối hợp cùng các đơn vị triển khai được thực hiện 6 nội dung, bao gồm: Xây dựng hệ thống trung tâm quản lý, giám sát và điều hành tập trung; Nghiên cứu, thiết kế, xây dựng hệ thống quản lý cổ vật, bảo tàng ảo; Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cảnh báo và phát hiện sớm cháy rừng; Nghiên cứu, xây dựng hệ thống giao thông thông minh phục vụ mùa lễ hội Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Nghiên cứu, thiết kế, xây dựng hệ thống chiếu sáng sử dụng đèn LED và hệ thống giám sát, điều khiển điện chiếu sáng tập trung tại Đền Giếng và Nghiên cứu, thiết kế, xây dựng hệ thống âm thanh phân tán. Theo ông Hậu, trong quá trình thực hiện, nhóm thực hiện đề tài nhận được sự quan tâm thường xuyên của Lãnh đạo Bộ KH&CN và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cũng như sự phối hợp nhiệt tình của các đơn vị như Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các đơn vị liên quan.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe báo cáo của các đơn vị có liên quan tham gia phối hợp thực hiện đề tài. Dự kiến đến trước mùa Lễ hội đền Hùng năm 2019, nhóm thực hiện đề tài sẽ triển khai một số nội dung quan trọng như: cải tạo, hoàn thiện phòng trung tâm điều hành, lắp đặt một số trang thiết bị phục vụ chạy thử nghiệm (màn hình, máy chủ, máy trạm…), tiếp tục các nghiên cứu xây dựng hệ thống và lắp đặt các thiết bị chiếu sáng, cảnh báo, phát hiện sớm cháy rừng, giám sát giao thông, âm thanh phân tán,…

Các ý kiến trao đổi trong hội thảo của các nhà khoa học và quản lý đã giúp cho Tổ chức chủ trì đề tài thấy rõ hơn những yêu cầu thực tiễn để các hoạt động nghiên cứu của đề tài trong thời gian tới sát thực hơn và sớm đưa các sản phẩm nghiên cứu phục vụ tốt cho yêu cầu xây dựng, quản lý và phát triển Khu di tích lịch sử Đền Hùng.