Nông nghiệp công nghệ cao được xác định là một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa VII nhiệm kỳ 2020-2025. 

Theo đó, Đề án 04-ĐA/TU của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020-2025, sau 6 năm triển khai, bước đầu đã thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tỷ trọng giá trị sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trên tổng giá trị sản phẩm trồng trọt có xu hướng tăng qua các năm.

Đề án 04-ĐA/TU của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020-2025 đặt mục tiêu giá trị sản xuất và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 tăng gấp 1,5 lần so với năm 2021; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025 chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, đến năm 2025, 100% diện tích đất quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao được thu hồi để triển khai thực hiện. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu lần thứ VII, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xác định là một trong những trụ cột kinh tế của tỉnh. Với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dành 4.000ha đất tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và TX Phú Mỹ để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để tạo động lực cho các vùng sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, tỉnh cũng đã ban hành tiêu chí xét chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên địa bàn, thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và quy hoạch phân khu chức năng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Đức.

Nhờ đó, Đề án 04-ĐA/TU của tỉnh sau 6 năm triển khai, bước đầu đã thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Hiện nay, tỷ trọng giá trị sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trên tổng giá trị sản phẩm trồng trọt có xu hướng tăng qua các năm.

Tính đến tháng 10/2023, trên địa bàn tỉnh có 401 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất tập trung tại Châu Đức, Đất Đỏ, Phú Mỹ, Xuyên Mộc với quy mô diện tích 4.919,4 ha (tăng 293 ha so với tháng trước), diện tích đang sản xuất 4.917,2 ha.

anh man hinh 2023 11 26 luc 070742.png
Ảnh minh hoạ

Các công nghệ áp dụng điển hình như: Nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động, công nghệ thủy canh,… trên các sản phẩm như rau các loại, dưa lưới, cây ăn quả (bưởi, chuối, bơ, nhãn, mít,…), cây công nghiệp (hồ tiêu, ca cao, nhàu…),...

Trong chăn nuôi, hiện có 132 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao (tổng đàn 264.945 con heo, 1.840.000 con gà thịt, 98.000 con gà trứng, 36.000 con vịt trứng, 36.000 vịt giống, chiếm tỷ lệ 30,2% tổng đàn gia cầm và 66,2%/tổng đàn heo). Các công nghệ sử dụng gồm: Trang trại thiết kế hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, sử dụng giống bố mẹ nhập ngoại.

Trong lĩnh vực thủy sản, có 23 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 429,3 ha (tăng 17,15 ha so với cùng kỳ). Công nghệ áp dụng sản xuất: nuôi trong ao nổi, hồ tròn lót bạt trong nhà màng, nguồn nước tuần hoàn và khép kín, sử dụng hệ thống máy lọc nước hiện đại, ứng dụng kỹ thuật kiểm soát, quản lý nuôi của Israel, quy trình 03 sạch, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ 250-500 con/m2, sản lượng đạt từ 30-50 tấn/ha/vụ, các cơ sở nuôi từ 3-4 vụ/năm,...

Sản xuất ứng dụng công nghệ cao giúp các cơ sở chủ động được mùa vụ, tăng số vụ sản xuất trong năm, kiểm soát được dịch hại, vật tư nông nghiệp đầu vào, chất lượng sản phẩm đạt một số tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, VietGAP,… đồng thời sản xuất có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Do đó giá trị sản xuất được nâng lên rất nhiều so với sản xuất thông thường.

Hợp tác xã đóng vai trò kết nối người nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Trên địa bàn tỉnh, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong tỉnh đã liên kết với người dân và DN sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mở ra hướng phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

HTX nông nghiệp Xuân Trường, xã Bình Ba, huyện Châu Đức được thành lập năm 2002, với 12 ha trồng thanh long. Ban đầu, HTX vận động xã viên sản xuất theo phương pháp “thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam” (VietGap) và các tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Global Gap) để bao tiêu đầu ra ổn định, không thụ thuộc vào thương lái.

Đến cuối năm 2021, do nhu yêu cầu ngày càng khắt khe của các nước, đặc biệt là thị trường Mỹ, HTX Xuân Trường kết hợp cùng các HTX khác trong vùng, hướng dẫn bà con sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, hình thành mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đảm bảo thu nhập cho xã viên.

Bà con xã viên đang cố gắng liên kết lại để đưa sản phẩm ra thị trường. Hiện nay HTX đang đi theo hướng giảm thuốc bảo vệ thực vật, bón phân sinh học đúng cách theo hướng hữu cơ, không dùng thuốc hoá học nhiều. HTX có 4 khu vực, mỗi khu vực thu được 4 tấn trái, với giá cả hiện nay thu nhập cao hơn trồng cây tiêu.

Thành lập vào tháng 6/2022, HTX Sản xuất nông nghiệp-Dịch vụ Châu Pha (xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ) có 15 thành viên, sản xuất rau củ quả các loại, sản lượng 1.600 tấn/năm. Trong đó, 8ha sản xuất rau trong nhà màng đã được cấp chứng nhận VietGAP. Hiện nay, HTX bao tiêu toàn bộ rau sau thu hoạch, với giá không thấp hơn 6.000 đồng/kg rau xanh.

11 thành viên đến từ các xã Xà Bang, Bình Giã, Sơn Bình (huyện Châu Đức) và xã Sông Xoài (TX.Phú Mỹ) của HTX Ca cao Châu Đức đang canh tác khoảng 100ha ca cao, năng suất bình quân từ 6-10 tấn ca cao tươi/ha/năm. Nguyên liệu sơ chế từ hạt ca cao của HTX được Công ty CP Sôcôla Marou (TP.Hồ Chí Minh) và Công ty CP Binon Cacao thu mua.

Đại diện HTX Ca cao Châu Đức cho biết, để sản phẩm đạt chất lượng, HTX đã tập huấn quy trình chăm sóc cây ca cao theo hướng hữu cơ, đồng thời làm cầu nối hỗ trợ các thành viên cây giống, mua vật tư, phân bón và bao tiêu nông sản cho các hộ liên kết trồng ca cao.

V.v...V.v...

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 20 HTX/123 HTX thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Liên kết theo chuỗi cũng được xác định là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp. Từ đó nâng cao được chất lượng nông sản và chuyển sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường. Liên kết cũng khắc phục những mặt hạn chế của tình trạng sản xuất đơn lẻ như thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, kinh nghiệm sản xuất, đầu ra bền vững.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như quy mô nhỏ, năng lực yếu, hạn chế về vốn, khoa học kỹ thuật. Đánh giá từ Sở NN-PTNT cũng cho thấy, mặc dù số lượng HTX nông nghiệp trên địa bàn hiện nay cũng tương đối, tuy nhiên số HTX sản xuất hiệu quả, thể hiện được vai trò đầu mối kết nối cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông sản hàng hóa tại địa phương vẫn còn khá khiêm tốn, chủ yếu vẫn là hỗ trợ trong nội bộ thành viên hợp tác xã mà chưa có liên kết với các nông hộ ngoài HTX. Bên cạnh đó, việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật còn thiếu tính đồng bộ, tính liên kết giữa nông dân và DN chưa chặt chẽ… Đây là những rào cản cần sớm được tháo gỡ để liên kết trong sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, hiệu quả.

Muốn làm được điều đó, các địa phương cần khuyến khích thúc đẩy, hỗ trợ nâng cao năng lực, xây dựng các HTX nông nghiệp mạnh, đủ sức làm trung gian liên kết giữa nông dân với các DN. Đồng thời, cần nâng cao kỹ năng, kiến thức cho nông dân, cũng như nâng cao vai trò dẫn dắt, quản lý của Nhà nước trong việc tổ chức liên kết sản xuất hiệu quả và bền vững.  

Châu Đức