Giám sát diện tích đất trồng lúa có ý nghĩa rất quan trọng vì các số liệu này có thể hỗ trợ việc hoạch định chính sách quản lý và sử dụng đất trồng lúa theo hướng hiệu quả và phù hợp với thực trạng.
Nghiên cứu này đã ứng dụng ảnh viễn thám RapidEyes và Landsat TM5 để thành lập bản đồ hiện trạng đất trồng lúa năm 2006 và 2016 của huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng với kết quả độ chính xác tổng số năm 2006 là 90,95% với Kappa = 0,88 và năm 2016 là 91,25% với Kappa = 0,89.
Kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng việc sử dụng ảnh viễn thám RapidEyes có độ phân giải cao đã hỗ trợ tốt hơn trong việc nâng cao độ chính xác tổng số, giảm sai số bỏ sót và sai số nhầm lẫn của các loại đất trong quá trình giải đoán.
Bên cạnh 02 bản đồ hiện trạng đất trồng lúa được thành lập, diện tích đất trồng lúa cũng được tính toán cụ thể cho từng xã. Kết quả cho thấy diện tích đất trồng lúa phân bổ hầu hết ở cả 11 xã, tập trung nhiều ở một số xã vùng đồng bằng và trung du trên địa bàn huyện. Sự phân bố của đất trồng lúa khá phân tán và manh mún theo hình thái vùng nông nghiệp đô thị.
Mức chênh lệch và tổng diện tích đất trồng lúa ở các xã trên địa bàn huyện là khá lớn, xã có diện tích đất trồng lúa lớn nhất với hơn 570 ha, trong khi xã có diện tích nhỏ nhất chỉ hơn 58 ha. Trong giai đoạn 2006-2016 diện tích đất trồng lúa ở cả 11 xã điều biến động theo chiều hướng giải với tổng số diện tích giảm 617,1 ha.