Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, những năm qua, các bức xúc dân sinh trên các lĩnh vực như quản lý trật tự đô thị, môi trường, y tế, giáo dục… ngày càng tăng về số lượng và phức tạp về tính chất. Trong khi, cơ quan quản lý hành chính không thể tăng nhân sự để đáp ứng nhu cầu công việc.

Mặt khác, việc tiếp nhận, xử lý các phản ảnh của người dân đôi lúc chưa kịp thời, công tác kiểm tra giám sát còn hạn chế; quy trình xử lý các kiến nghị còn nhiều chồng chéo giữa các cơ quan giải quyết… Do đó, việc phát triển ứng dụng như “Hậu Giang” trên điện thoại thông minh là rất cần thiết nhằm tạo một sự tương tác thân thiện, gắn kết, hiệu quả hơn giữa chính quyền với người dân.

{keywords}
SB3151-3-1.jpg

Theo ông Hồ Viết Quang Thạch, Trưởng phòng Dự án Trung tâm Tin học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện của nhóm xây dựng, phát triển ứng dụng “Hậu Giang”, trước đây, nhiều tỉnh, thành muốn triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát khắp tất cả các nơi, các tuyến đường, điều này đem lại nhiều hiệu quả trong bảo vệ an ninh trật tự, nhưng kinh phí đầu tư và bảo trì là khá lớn.

Tuy nhiên, với ứng dụng như app “Hậu Giang”, trong chức năng “Phản ánh hiện trường” sẽ ghi nhận đa dạng ý kiến của người dân chuyển đến cho ban quản trị ứng dụng và ngành chức năng xử lý, mỗi người dân có cài đặt ứng dụng sẽ như một camera giám sát, còn ngành chức năng sẽ kịp thời biết được nhiều thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành.

Cũng theo ông Hồ Viết Quang Thạch, người dân chỉ cần tải app rồi gửi nội dung phản ánh thì lập tức cán bộ phụ trách lĩnh vực tại các địa phương sẽ nhận được. Điều này khác rất nhiều so với kiểu truyền thống là phải qua khâu trung gian hoặc tiếp nhận rồi chuyển đến đơn vị chuyên môn. Ngoài ra, việc phản ánh đảm bảo tính bí mật, khách quan cho người dân.

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số là chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, được triển khai ở tất cả các địa phương. Đối với Hậu Giang, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng rất quan tâm chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan. Qua đó, trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh đã triển khai được một số ứng dụng công nghệ cơ bản trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử như hệ thống thư điện tử; hệ thống quản lý văn bản điều hành, đặc biệt là ứng dụng “Hậu Giang”.

“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cấp hạ tầng cơ sở kỹ thuật, máy móc, trang thiết bị, cũng như tiếp tục hoàn thiện ứng dụng để đảm bảo thực sự hoạt động trơn tru, đóng góp thiết thực cho công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan nhà nước và tăng cường sự tương tác giữa cơ quan nhà nước với người dân”, ông Lã Hoàng Trung nhấn mạnh.

Cửu Long