“Dịch vụ tin nhắn SMS sẽ là một trong những công vụ giúp hộ nghèo làm quen với công nghệ số. Đồng thời, giúp Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ.”
Đây là chia sẻ của bà Lưu Thị Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin NHCSXH tại tọa đàm “Dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động cho người nghèo và phụ nữ Việt Nam - Cơ hội và thách thức”.
Từ cuối năm 2016, NHCSXH đã triển khai dịch vụ tin nhắn qua điện thoại di động tới khách hàng tại 63 chi nhánh tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Dịch vụ tin nhắn bao gồm: đối chiếu thông tin dư nợ tiền vay, số dư tiền gửi, thông báo nợ đến hạn, thông báo chuyển nợ quá hạn đến khách hàng của NHCSXH, giúp khách hàng thuận tiện trong việc nắm bắt thông tin kịp thời; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.
Theo NHCSXH, qua tin nhắn SMS như lịch trả nợ, nhắc nợ và số dư tài khoản hàng tháng, NHCSXH đã nâng cao được tính minh bạch và hiệu quả hoạt động, giúp cho khách hàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính toàn diện. Cùng đó, cải thiện chất lượng tín dụng và tăng hiệu quả chi phí, giảm thiểu công sức đối chiếu, thời gian và việc đi lại, dễ dàng phát hiện vay ké, chiếm dụng trong công tác cho vay.
Dịch vụ tin nhắn SMS cũng đã tác động đến khách hàng về ý thức khoản nợ vay, trách nhiệm trả nợ, gửi tiết kiệm và đặc biệt là tiết kiệm rất nhiều thời gian, tiết kiệm chi phí in ấn...
Dịch vụ tin nhắn SMS cũng là kênh thông tin cho khách hàng đối chiếu. Thông tin vay vốn được công khai, khách hàng không mất thời gian đi đối chiếu tại trụ sở thôn, xã định kỳ vào cuối năm, không tốn tiền trả cước tin nhắn. Việc tiếp cận với công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính hiện đại giúp nâng cao trình độ nhận thức trong nhân dân về dịch vụ tài chính hiện đại, là nền tảng cho xã hội phát triển.
Theo tính toán của NHCSXH, lợi ích kinh tế mà dịch vụ tin nhắn mang lại cho 856.608 khách hàng tại 10 tỉnh là giúp khách hàng tiết kiệm được hơn 42,8 tỷ đồng. Đối với ngân hàng, nếu sử dụng dịch vụ tin nhắn SMS với 250 đồng/tin nhắn, 10 chi nhánh chỉ mất 214 triệu đồng, tiết kiệm hơn 12 lần cho chi phí hoạt động.
Thời gian tới, NHCSXH dự kiến triển khai thí điểm dịch vụ Mobile banking tới 850 Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (với hơn 30.000 tổ viên vay vốn) thực hiện các giao dịch ngân hàng thông qua sử dụng điện thoại di động.
Tọa đàm “Dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động cho người nghèo và phụ nữ Việt Nam - Cơ hội và thách thức do NHNN phối hợp NHCSXH và Trung tâm tư vấn Nguồn lực Tài chính vi mô Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VMFWG) tổ chức.
Buổi tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của các tổ chức tài chính vi mô về dịch vụ tài chính ngân hàng qua điện thoại di động ở Việt Nam nói chung, cho người nghèo và phụ nữ nói riêng, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về xu thế và lợi ích dịch vụ ngân hàng số và thảo luận những cơ hội và thách thức trong việc đưa dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đặc biệt là phụ nữ tại Việt Nam.
Đến hết tháng 6/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 189.105 tỷ đồng, tăng 13.723 tỷ đồng (+7,8%) tỷ đồng so với năm 2017. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 181.768 tỷ đồng, tăng 9.978 tỷ đồng (+5,8%) so với cuối năm 2017, với hơn 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách không ngừng được củng cố, nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh hiện nay chỉ chiếm 0,81% tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,42%. Trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh số cho vay đạt 33.998 tỷ đồng tăng 2.756 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước đã giúp hơn 1,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách góp phần hỗ trợ, đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 137 nghìn lao động, trong đó gần 3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 10 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 840 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng trên 14,6 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 100 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP… |
M.M - Phương Cúc - Ngọc Cương