Thời trang là một phần không thể tách rời trong sự phát triển kinh tế, xã hội. Công nghiệp dệt may được xem là ngành gây ô nhiễm thứ 2 thế giới (sau dầu mỏ). Hiện, hơn 60% vật liệu ngành thời trang làm từ nhựa. Viện Tài nguyên thế giới ước tính 1,2 tỷ tấn CO2 được thải ra trong khí quyển mỗi năm bởi ngành công nghiệp thời trang nhanh.

Trong khi đó, xu hướng giảm thải khí carbon đang trở thành yêu cầu tất yếu của từng quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã công bố những cam kết mạnh mẽ trong việc ứng phó với những thiên tai, giảm lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để thực hiện điều này, không chỉ Chính phủ mà các doanh nghiệp cũng cần chuyển đổi nhanh chóng và có những bước đi bền vững, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường.

Với nhận thức của người tiêu dùng và xã hội ngày càng được nâng cao, thời trang xanh dần trở thành nhu cầu tiêu dùng tất yếu không đơn thuần là một xu hướng. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không chỉ là những dự án tổ chức từ thiện, hoạt động cứu trợ mà phải bao gồm nhiều yếu tố như: Trách nhiệm đối với môi trường sống, sản phẩm sản xuất, người lao động, người tiêu dùng. Do vậy, tiêu dùng xanh cũng chính là trách nhiệm của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội lớn cho một sự chuyển mình theo hướng đi mới của ngành thời trang và đòi hỏi sự thức tỉnh thật sự của ngành công nghiệp dệt may.

{keywords}
 Sợi vải sản xuất từ xơ dừa

Phát triển thời trang xanh hay thời trang bền vững (Sustainable fashion) thì điều kiện cần là sự liên kết chuỗi, kết nối từ doanh nghiệp sợi, đến gia công dệt, và doanh nghiệp bán lẻ. Các nước khác trên thế giới đang làm rất tốt, không chỉ là kết nối nội địa mà xa hơn là kết nối vùng, những nước lân cận trong khu vực. Khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các doanh nghiệp tham gia cũng cần cam kết về lao động, về nguồn gốc nguyên liệu của sản phẩm. Sự minh bạch trong nguồn gốc nguyên liệu cũng là yếu tố quan trọng thể hiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng chung của thế giới.

Các doanh nghiệp cần chủ động được nguyên liệu xanh, thân thiện với môi trường, phải có sự đầu tư nghiêm túc cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối Thời trang (Faslink) - một trong những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong việc nghiên cứu và sản xuất các sợi vải tự nhiên, thân thiện với môi trường như sợi vải từ bã cà phê, từ vỏ hàu, xơ dừa, thân sen…khẳng định: “Chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc, các doanh nghiệp cần nắm bắt và nhanh chóng chuyển mình theo xu hướng xanh hoá ngành thời trang, dệt may. Đã đến lúc phải suy nghĩ lại về lĩnh vực may mặc và hướng tới một loại hình công nghiệp mới, khởi nguồn từ nguyên liệu xanh, nguyên liệu công nghệ. Là mắt xích không thể tách rời trong chuỗi cung ứng”.

{keywords}
 Thời trang xanh từ sợi vải cà phê, sợi vải bạc hà…

Trong sự phát triển của ngành thời trang Việt Nam, sự gắn kết và hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và các trường đào tạo là điều quan trọng, cần được củng cố mạnh mẽ hơn để cùng tập trung đầu tư cho R&D, tận dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu và nguồn lao động dồi dào.

Như đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) từng nhận xét, hiện có rất nhiều doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu giống như Faslink đang làm rất tốt việc nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm phù hợp với xu thế và thị hiếu của khách hàng.

Theo các chuyên gia, với sự phát triển không ngừng của ngành thời trang và dệt may hiện nay thì máy móc và sản xuất không còn là yếu tố duy nhất cần được đầu tư mà bên cạnh đó, cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và sự phát triển của xã hội.

Lệ Thanh