Sự bùng nổ của các ứng dụng OTT trong nước trong năm 2018 cho thấy các đơn vị truyền hình của Việt Nam đã chuyển hướng mạnh mẽ sang cung cấp nội dung trên OTT. Tuy nhiên, phần lớn các ứng dụng trong nước đều đang cung cấp miễn phí, chỉ có một số ít thu phí người dùng ở nội dung VOD nhưng thực tế thì số người chấp nhận trả phí cũng không nhiều, vì kho nội dung VOD cũng còn khá nghèo nàn.
Nếu người xem truyền hình OTT chấp nhận trả phí để được xem các nội dung trên nền tảng đó mà không kèm quảng cáo, giống như các ứng dụng Netflix hay iFlix. Còn nếu người dùng muốn xem miễn phí thì phải chấp nhận xem quảng cáo xen vào nội dung, tuy nhiên với ứng dụng OTT thì người dùng sẽ có thể lựa chọn xem hay không xem quảng cáo, nếu muốn xem thì xem quảng cáo loại gì. Với truyền hình OTT, người dùng sẽ được xem các quảng cáo nhắm mục tiêu tốt hơn, phù hợp hơn so với quảng cáo cưỡng bức trên truyền hình truyền thống.
Quảng cáo trên nội dung OTT được đánh giá là một dịch vụ ăn khách, do tính năng nắm nhắm đúng đối tượng quảng cáo, nhà quảng cáo sẽ chọn lựa được đối tượng người xem ai, ở độ tuổi nào, sở thích là gì, nên truyền hình OTT được dự báo sẽ thu hút được ngày một nhiều nhà quảng cáo tìm đến. Đối với các nhà quảng cáo, truyền hình OTT là sự kết hợp tuyệt vời của nội dung hấp dẫn và địa chỉ khách hàng. Giám đốc tiếp thị các nhãn hàng sẽ thích thú với những gì họ thu được từ truyền hình OTT. Trên thực tế, các nền tảng quảng cáo như Facebook, hay YouTube đang bộc lộ ngày càng nhiều điểm yếu, nhất là hiển thị quảng cáo của các nhãn hàng lớn trên các nội dung bị phản ứng như nội dung bạo lực, nội dung xấu độc, nội dung bị cấm… Một số nhãn hàng do sợ ảnh hưởng uy tín thương hiện đã phải rút quảng cáo khỏi hạ tầng YouTube và Facebook. Do đó, quảng cáo trên các ứng dụng OTT sẽ là đích đến của các nhãn hàng.
Một trong những quảng cáo đầu tiên trên ứng dụng VTVcab On. |
Gần đây một số ứng dụng OTT như VTC Now, VTVcab On đã bắt đầu xuất hiện những quảng cáo đầu tiên, đây là một tín hiệu tốt cho các ứng dụng OTT trong nước. Liệu có phải đã đến lúc các OTT ở Việt Nam có thể thu tiền được từ dịch vụ quảng cáo trên nội dung của mình không? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Lê Tân, Giám đốc Trung tâm Nội dung số của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC cho biết, quảng cáo là một phương án kinh doanh tất yếu mà các đơn vị truyền hình khi phát triển nội dung số sẽ hướng tới. Nhưng quảng cáo trên nội dung số đặt ra không ít thách thức với các Đài ở Việt Nam. Cụ thể là: Giá thầu quảng cáo số ở thị trường Việt Nam không cao. Những nội dung hấp dẫn quảng cáo trên truyền hình truyền thống chưa chắc đã là nội dung hấp dẫn quảng cáo số.
Bên cạnh đó, các ứng dụng OTT nội đang phải cạnh tranh với những ông lớn như Facebook, Google đang nuốt miếng bánh thị phần quảng cáo số quá to, miếng bánh nhỏ là các đơn vị còn lại. Điều này là áp lực mà Đài truyền hình trong nước nào cũng phải hứng chịu.
Cùng với đó, việc khai thác kinh doanh quảng cáo cũng cần sự bài bản trong đầu tư hệ thống quản lý người dùng, hệ thống quản lý quảng cáo, hệ thống bảo vệ bản quyền nội dung trên môi trường số...
Cũng theo ông Nguyễn Lê Tân, hầu hết các Đài truyền hình hiện nay khi phát triển mảng nội dung số đều trông ngóng nguồn thu từ quảng cáo, nhưng chưa có Đài nào thu đủ bù chi từ quảng cáo số. Có những Đài lớn doanh thu từ quảng cáo trên môi trường số mới đạt khoảng trên dưới 20 tỷ đồng trong năm qua nhưng chi phí vận hành thì gấp đôi, thậm chí gấp 3 con số đó. Đấy là chưa kể chi phí đầu tư hệ thống.
Khó khăn lớn khác đó là các Đài truyền hình tại Việt Nam vốn không có lợi thế về hạ tầng kỹ thuật như các doanh nghiệp công nghệ hay viễn thông. Vì thế, việc kinh doanh nội dung số sẽ còn khó khăn hơn.
Hiện mỗi đơn vị chọn một phương thức kinh doanh nội dung số như là: Một số Đài phát triển ứng dụng miễn phí và kết hợp với các doanh nghiệp viễn thông để kinh doanh trên hạ tầng của họ. Một số Đài khác thì phát triển thêm các mảng kinh doanh thiết bị đầu cuối. Một số Đài có thêm cả mảng kinh doanh tài trợ trên các nội dung sản xuất riêng cho môi trường số...
“Tuy nhiên, tất cả những phương án kinh doanh này đều đang còn chật vật”, ông Tân nói.