BS Đào Mạnh Phương - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, thông tin Trung tâm đang điều trị cho bệnh nhân 51 tuổi, có kết quả ung thư giai đoạn cuối.

BS Phương cho biết thêm, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhưng không điều trị, hút thuốc lào, thuốc lá hơn 40 năm. 3 tháng nay, bệnh nhân đau mỏi vùng vai phải, cổ, cánh tay bên phải… nhưng không đi khám. Sau đó, người bệnh ho nhiều, khạc đờm trắng đục, tình trạng đau nhức nhiều hơn nên đi kiểm tra. Kết quả chụp cắt lớp vi tính vùng ngực phát hiện ung thư phổi giai đoạn 4. Bệnh nhân có nhều hạch, tổn thương cột sống ngực, xương bả vai phải và xương sườn...

BS Phương cho biết, bệnh nhân đã di căn xương nên đau nhiều, tự dùng thuốc giảm đau tại nhà không hiệu quả và u phổi đã gây đau tức ngực, ho nhiều… Ngoài ra, bệnh nhân ung thư đã di căn giai đoạn muộn, do đó, mục tiêu điều trị phù hợp là kéo dài được thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. 

Tuy nhiên, nam bác sĩ cho biết thêm, bệnh nhân cần làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác xem thuộc loại ung thư phổi nào cũng như tình trạng di căn để có phương án điều trị thích hợp.

Ung thư phổi là tình trạng các tế bào ác tính xuất phát từ phổi, thường từ lớp tế bào lót lòng đường thở. Đây là loại ung thư nguy hiểm hàng đầu vì diễn tiến âm thầm và khó phát hiện. Hầu hết người bệnh đều đến viện ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn kèm theo gánh nặng kinh tế. Ước tính mỗi năm có khoảng 1,8 triệu ca tử vong trên toàn cầu do ung thư phổi.

Chỉ riêng trong năm 2020, Việt Nam có thêm 26.262 người mắc ung thư phổi và có hơn 23.000 trường hợp tử vong. Con số này xếp vị trí 56/185 trên thế giới và top đầu ở khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là bệnh ung thư đứng hàng số 2 tại nước ta về tỷ lệ mới mắc và tử vong. Ở giai đoạn đầu, hầu hết trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác. 

ThS.BS Lê Văn Long - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, 5 triệu chứng hay gặp nhất bạn cần đi khám ngay gồm:

- Ho kéo dài không rõ nguyên nhân: Với tất cả trường hợp ho kéo dài trên 2 tuần, đã điều trị nhưng không có hiệu quả.

- Ho máu: Là một dấu hiệu nguy hiểm cần phải được phát hiện sớm và xử trí ngay. Thường được mô tả là ho ra đờm nhuốm ít máu đỏ tươi, trong vài ngày liên tiếp, thậm chí số lượng máu tăng dần theo thời gian.

- Đau ngực: Đôi khi chỉ đau âm ỉ, đau tăng lên khi ho, thường đau một bên ngực hoặc có thể lan lên vai, lan ra sau lưng.

- Khó thở: Là triệu chứng khá thường gặp trong ung thư phổi. Mới đầu có thể khi vận động mạnh, leo cầu thang, khi bệnh tiến triển gây khó thở liên tục, ngay cả khi nghỉ ngơi.

- Gầy sút cân, mệt mỏi: Đôi khi những người mắc ung thư phổi thường không ho hay đau ngực, chỉ thấy xuất hiện cảm giác chán ăn, ăn không ngon kéo dài, gầy sút từ vài kg tới 5-6kg trong 1,2 tháng.