Theo quan sát của TS. KTS. Phạm Phú Cường – ThS. KTS. Lê Nguyễn Gia An (Đại học Kiến trúc TP HCM), không khó để nhận ra rằng: Cách thức ứng xử với kiến trúc cũ đã không còn bó buộc trong phạm vi thay thế hay phục hồi, trùng tu, mà đã mở rộng ra các hoạt động cải tạo, thích ứng để hồi sinh công trình vào thực tiễn sống động của đời sống đô thị hiện nay.

Minh chứng bằng cuộc hồi sinh Chung cư 42 Nguyễn Huệ, KTS. Phạm Phú Cường và KTS. Lê Nguyễn Gia An chia sẻ, không ít người đã từng bước đi trên đường Nguyễn Huệ và lưu giữ lại một bức ảnh chụp một tòa nhà “cũ mà mới” tọa lạc tại đoạn giữa của đại lộ. Trong mọi bức ảnh đó, bất kể là bằng ý đồ chuyên nghiệp hay ngẫu nhiên, mặt đứng tòa nhà hiện ra như một lưới phông nền lớn, với sự xuất hiện dày đặc và rực rỡ các “biển hiệu quảng cáo” của các thương hiệu. Mỗi “biển hiệu” mang dáng dấp và kích thước của một không gian kiến trúc, cụ thể hơn chính là ban công của các căn hộ cũ. Khung cảnh hiện ra là một tập hợp sống động những mảnh ghép của đời sống đô thị bình dị và đa dạng nhưng lại vô cùng đồng bộ về nhịp điệu.

W-anhminhhoa-7.png
Chung cư 42 Nguyễn Huệ ngày nay

Trong quá trình tìm kiếm tư liệu lịch sử về công trình, 2 KTS nhận diện, Chung cư 42 Nguyễn Huệ mang đặc điểm hình thức của xu hướng kiến trúc Hiện đại, công trình tồn tại với dáng vẻ vững chắc, tinh gọn và khúc chiết.

Giai đoạn trước 1975, khi mà công trình vẫn còn là cư xá của các công chức chính phủ. Căn hộ của các công chức cao cấp được đặt ở mặt ngoài với diện tích 120m2, không gian gồm hai bước cột có thể nhìn thấy trên mặt đứng và ba nhịp cột theo trọn chiều sâu của khối nhà này. Các căn hộ nhỏ hơn dành cho các công chức cấp trung có quy mô chưa bằng một nửa các căn lớn, được bố cục gọn gàng trong 50m2, với các ban công được xoay góc về hướng chính Nam. Dãy nhà sau với lối cầu thang riêng là dãy các phòng nhỏ làm nơi ở cho gia đình của người phục vụ. Về sau, một số căn hộ được cấp cho công nhân nhà máy đóng tàu Ba Son. Tựu trung, công trình là tập hợp các căn hộ ở với quy mô và tiêu chuẩn phân cấp theo thứ bậc rõ ràng.

Đến những năm cuối thập niên 1980, khi tất cả căn hộ đều vắng chủ, tòa nhà chìm trong bóng đêm ảm đạm. Tuy nhiên, từ khi bước sang thế kỷ 21, và đặc biệt là khi đại lộ Nguyễn Huệ trở TP đi bộ đầu tiên của TP, “ngôi nhà hoang” 42 Nguyễn Huệ đã bắt đầu quá trình hồi sinh ngoạn mục. Những căn hộ có thiết kế điển hình được cải tạo thành các không gian chức năng đa dạng mang cá tính và màu sắc riêng. Nhu cầu tách, nhập các đơn vị không gian cũng diễn ra thuận lợi nhờ vào nền lưới cấu trúc mặt bằng tối giản của tòa nhà. Như một khối rubic khổng lồ, tòa nhà sáng đèn những mảng màu rực rỡ vào ban đêm. Mỗi năm, mỗi tháng, khi các sắc thái hoạt động khác nhau lần lượt đến và đi, người ta chưa bao giờ thấy diện mạo của Chung cư 42 Nguyễn Huệ hôm nay ngừng thay đổi.

Lý giải cho sự thu hút của tổ hợp này, dường như chính tính đa dạng, cởi mở với các chức năng mới mẻ và khác lạ so với chức năng nguyên thủy của công trình kiến trúc ban đầu đã tạo nên sức sống cho nó. Đặc biệt hơn nữa, diễn tiến hoạt động ở đây có sức hấp dẫn lớn vì có sự vượt trội trong tính sáng tạo và thử nghiệm. 

Từ câu chuyện của Chung cư 42 Nguyễn Huệ, 2 vị KTS nhấn mạnh: Công năng vật chất của công trình kiến trúc luôn bị lão hóa chậm hơn nhiều so với công năng sử dụng của nó. Vì vậy mà mỗi khoảnh khắc mà công trình kiến trúc trở nên “cũ” hơn theo thời gian lại chính là một cơ hội để nó chuyển mình tái tạo đời sống mới.

Với góc nhìn cởi mở và chủ động, kiến trúc nói riêng và các ngành nghệ thuật gắn liền với đời sống nói chung có thể tìm thấy một kho tàng cảm hứng vô tận bằng cách nhìn vào những di sản cũ kỹ của thời gian và cách thức mà những di sản đó thích nghi trong đời sống muôn mặt của đô thị không ngừng biến đổi.

Giao Linh và nhóm PV, BTV