V-League bị người Thái “móc túi”
Ít ngày trước, mùa giải 2020 của Thái Lan chính thức trở lại sau thời gian nghỉ dài vì COVID-19, và ngay lập tức giải đấu mà Đặng Văn Lâm đang thi đấu khiến V-League phải ngậm ngùi.
Bởi ngay trong trận đầu tiền khi trở lại, các nhà ĐKVĐ Thai-League Chiangrai United tung ra mẫu áo đấu cùng nhà tài trợ mới và bất ngờ hơn khi trên đó là thương hiệu một hãng hàng không đến từ Việt Nam.
Một doanh nghiệp Việt Nam vừa tài trợ cho ĐKVĐ Thai-League |
Theo thông tin từ truyền thông Thái Lan, hãng hàng không Việt Nam gắn tên trên áo đấu của Chiangrai United sẽ tài trợ toàn bộ dịch vụ vận chuyển cho các cầu thủ, huấn luyện viên và nhân viên ở Thai-League mùa bóng năm nay.
Đây không phải lần đầu tiên Thai-League lấn lướt trong việc mời gọi các nhà tài trợ, khi ít năm trước một hãng sản xuất xe hơi từ chối gắn bó với V-League để “ôm tiền” sang tài trợ khủng cho giải đấu cao nhất Thái Lan khiến nhiều người thực sự ngậm ngùi.
Nỗi buồn... nhà nghèo
Về cơ bản, doanh nghiệp tài trợ cho giải đấu nào đó phần lớn rơi vào những quyền lợi về kinh tế, hay quảng bá thương quyền. Và việc một hãng hàng không của Việt Nam tài trợ cho Chiangrai United không nằm ngoài quy luật này.
Nhưng với những ai quan tâm đến bóng đá Việt Nam thì việc V-League không hút được nhà tài trợ chất lượng đến lúc này so với Thai-League thực sự đáng buồn.
khiến nhiều người thấy buồn, nhưng thực tế đó là điều hiển nhiên khi V-League chưa hấp dẫn như mong đợi |
Tuy nhiên, lại khá hợp lý khi phải nói rằng V-League chưa hấp dẫn, hay bóng bẩy hơn là giải đấu cao nhất Việt Nam thực sự còn... nghèo nàn để hút được tiền từ các doanh nghiệp gắn bó lâu dài.
Ngoài một số cái tên như Công Phượng, Quang Hải, Xuân Trường... V-League nhiều mùa giải qua không có quá nhiều ngôi sao thực sự cùng lúc chất lượng ngoại binh đi xuống khiến giải đấu cao nhất Việt Nam ít tạo sức bật như trước.
Chức vô địch ở V-League cũng tương đối dễ đoán, chuyên môn giữa các đội bóng khá chênh lênh... và việc giải đấu quá thiếu tính cạnh tranh nên để hút được các nhà tài trợ, thương hiệu lớn gần như là không thể.
Nhìn cách mà ĐKVĐ Hà Nội FC 'làm gỏi' Á quân mùa trước, đồng thời đang được coi đối thủ lớn nhất của đội bóng Thủ đô tại V-League CLB TPHCM tại bán kết Cúp Quốc gia 2020 vừa diễn ra, càng rõ hơn.
Chưa dừng ở đó, V-League sau 20 năm với hàng loạt vấn đề chưa thể giải quyết từ trọng tài, hay câu chuyện chuyên nghiệp nửa mùa ở nhiều CLB cũng khiến nhà tài trợ ngán ngẩm.
Nói như thế chẳng có nghĩa Thai-League không đối diện với những vấn đề tương tự, nhưng ít nhất cho tới lúc này người Thái luôn cho thấy sự cầu tiến, thay đổi để làm đẹp lòng nhà tài trợ, trong khi V-League thì chưa.
Một giải đấu thực sự nghèo nàn theo nghĩa bóng lẫn đen như thế quả thực muốn các doanh nghiệp gắn bó với V-League gần như không thể. Cứ nhìn vài năm gần đây giải đấu cao nhất Việt Nam thay đổi xoành xoạch nhà tài trợ chính là ví dụ rõ nhất.
V-League chưa đổi được chất và Thai-League “móc túi” thế thì trách được ai bây giờ?
Duy Nguyễn