- Trọng tài có lỗi, rất nặng và có hệ thống chứ không đơn giản. Phía bên kia, giới cầu thủ lẫn HLV e rằng cũng cần phải nhìn lại mình để hành xử đúng mực hơn, thay vì  đổ lỗi cho nhau để khiến giải đấu nát như tương...

1. Bắt đầu với chuyện mới nhất thuộc về trọng tài Phùng Đình Dũng. Phải công tâm mà nói rằng, vào thời điểm này vị vua sân cỏ người Hà Nội đang là một trong những người có năng lực nhất nhì trong giới.

Thế nhưng, rốt cuộc ông giáo Dũng vẫn sai và sai rất nặng để trước mắt sẽ phải ngồi chơi xơi nước ít nhất hết mùa giải năm nay sau lỗi ở sân Nha Trang tại vòng đấu thứ 17.

Khoan nói chuyện "tâm tư" của trọng tài này có gì hay không, nhưng ít nhất đến lúc này niềm tin lẫn sự tôn trọng mà các đội bóng dành cho ông Phùng Đình Dũng đã coi như không còn.

Và chẳng riêng gì trọng tài người Hà Nội này mà trước đó rất nhiều đồng nghiệp của ông cũng đã là sự dè bỉu của các đội bóng, CĐV lẫn cầu thủ sau hàng loạt những lỗi khó có thể thông cảm.

{keywords}

Những hình ảnh như thế này...

Sai thì phải chịu, làm nghề phải chấp nhận. Nhưng có vẻ như lại quá khắc nghiệt đối với nghề cầm còi khi bao năm qua bị khinh khi, lẫn thiếu sự tôn trọng như thế...

2. Cho đến lúc này, chỉ tính riêng ở mùa 2016 thôi đã không ít lần các trọng tài, trong báo cáo của các giám sát gửi về cho BTC giải đều có ghi thêm thái độ của các cầu thủ, HLV với giới cầm còi.

Cũng đúng thôi, như đã nói ở trên khi mà chính các vua là sự khởi nguồn cho những cơn tức giận chuyện cầu thủ, HLV hay các CĐV văng "rau củ quả" vào mặt cũng chẳng phải lạ.

Tuy nhiên, dù lỗi của ai đi chăng nữa điều mà chính các trọng tài cần nhất vẫn là sự tôn trọng dành cho họ, bởi không phải ai cũng mang cái tâm không tốt vào tiếng còi giống các đồng nghiệp khác.

Họ cảm thấy xúc phạm và cũng tức giận như một con người bình thường khi bị khinh khi và có phần coi thường của những "đối tác" trên sân dành cho mình.

Và chuyện "trả đũa" từ giới trọng tài dành cho các đội bóng, cầu thủ là có thật chứ không chỉ là tin đồn nữa. Thế nên, có lửa thì có khói cả chứ không chỉ đơn thuần từ một phía.

3. Những điều như thế bây giờ e rằng đã quá đủ, và cần dừng lại. Các đội bóng, cầu thủ hay HLV nên hiểu rằng giải đấu càng loạn thì đồng nghĩa nhà tài trợ cũng bỏ đi, và họ sẽ quay về cái thời không có chuyển nhượng tiền tỉ, nhận lương chục triệu như giờ.

{keywords}

...và như thế này không hiếm ở V-League

Và đương nhiên, nếu giải đấu chết chỗ mà các trọng tài kiếm cơm cũng e rằng chẳng xông xênh như giờ. Lương giáo viên, lương công nhân viên ở Trung tâm TDTT nào đó liệu có bằng thổi còi ở V-League, e rằng không.

Bây giờ có lẽ VPF phải cho thấy vai trò của mình và nên tổ chức cho giới cầm còi ngồi lại cùng với cầu thủ, HLV (đại diện cho mỗi đội bóng) để đưa ra giải pháp tốt nhất thay vì để bung xung như giờ.

Giới cầm còi sẽ được nói những gì mà họ bức xúc, giới cầu thủ, HLV hay các đội bóng cũng thế. Và tất nhiên, phải sòng phẳng với nhau trong một cuộc họp kín có đại diện của tất cả để tìm ra được tiếng nói chung, mấu chốt của vấn đề.

Ngồi chung một con thuyền đừng để nó đắm, hãy hiểu như thế thay vì giờ ngồi đổ lỗi, kiếm cớ và cả treo còi, treo giò như VPF đang làm. Không giải quyết được vấn đề đã đành, lại còn khiến giải đấu như chợ chiều liệu còn trông gì vào doanh nghiệp tài trợ, trông gì khán giả đến sân...

  • Duy Nguyễn