Từ giáo dục phục vụ Nhà nước
Với tư cách là một thiết chế xã hội, chức năng quan trọng nhất của giáo dục là xã hội hóa cá nhân, chuyển hóa cá nhân từ một “thực thể sinh học” thành một “thực thể xã hội”. Thông qua giáo dục, cá nhân được lĩnh hội các giá trị, niềm tin, tri thức, kỹ năng, trách nhiệm và bổn phận gắn với mỗi vị thế xã hội, nhờ đó, cá nhân có thể đảm nhiệm các vị thế và vai trò xã hội khác nhau trong suốt cuộc đời
Một thực tế phổ biến ở nhiều quốc gia là cho đến trước thời kỳ tư bản chủ nghĩa, các nền giáo dục phong kiến chủ yếu phục vụ Nhà nước. Các kỳ thi tuyển chọn người để bổ nhiệm vào các vị trí trong chính quyền tại các nước Á Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam là những điển hình của các nền giáo dục hướng đến thiểu số, phục vụ nhu cầu nhân sự của Nhà nước phong kiến.
Thời kỳ đó, cho dù học ở đâu và dưới hình thức nào, bất kỳ ai cũng đều có thể tham dự các kỳ thi do Nhà nước tổ chức. Nguyên tắc bình đẳng và cạnh tranh năng lực bảo đảm các kỳ thi chọn được những người xuất sắc nhất. Kết quả và thứ hạng sau mỗi kỳ thi cũng là yếu tố quyết định chức vụ mà mỗi người được đảm nhiệm trong hệ thống chính quyền các cấp.
Ở nước ta, cho đến trước những năm 1990, sản phẩm đào tạo của nền giáo dục quốc dân cũng vẫn chủ yếu phục vụ Nhà nước. Tốt nghiệp các bậc học sau phổ thông, người lao động chủ yếu làm việc cho các cơ quan trong hệ thống chính trị, cũng như các nhà máy, xí nghiệp hay đơn vị kinh doanh của Nhà nước. Nền kinh tế về cơ bản chỉ có một thành phần là Nhà nước. Nền nông nghiệp trình độ thấp, chưa hình thành nền kinh tế thị trường trên phạm vi cả nước là những nguyên nhân chính khiến cho nhu cầu giáo dục, đào tạo còn đơn giản, yêu cầu về chất lượng đào tạo chưa bức bách.
Tính từ năm 1986, sau gần bốn thập kỷ thực hiện chính sách đổi mới, nền giáo dục đã chuyển hướng và đạt được những thành tựu nhất định.
Quy luật thị trường đã tác động đến giáo dục
Tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, sự vận hành của các quy luật thị trường như cung – cầu, cạnh tranh…đã thúc đẩy và tác động lớn đến nền giáo dục nước ta, đặc biệt là giáo dục công lập. Xuất hiện những diễn biến không như mong đợi, có thể ảnh hưởng tiêu cực về quyền thụ hưởng giáo dục, chất lượng giáo dục, cũng như sự phát triển của cả nền giáo dục.
Cụ thể, giáo viên là nhóm luôn chiếm số lượng đông nhất trong số những người rời bỏ khu vực công trong mấy năm gần đây, mà một nguyên nhân chính được cho là mức thu nhập quá thấp, không thể bảo đảm cuộc sống. Ngược lại, nhiều địa phương khó khăn hiện đang thiếu hàng trăm nghìn biên chế giáo viên nhưng nhiều năm nay vẫn không thể tuyển đủ.
Trong nỗ lực thích ứng với áp lực thị trường, hệ thống giáo dục công lập cũng đã có những thay đổi. Một số đại học thực hiện cơ chế tự chủ, cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng cao với mức học phí cao hơn học phí phổ thông. Các lớp học thêm, bổ sung kiến thức, kỹ năng theo nhu cầu và khả năng chi trả của học sinh cũng được tổ chức ngay tại các trường phổ thông công lập.
Cũng chính động lực thị trường đã thúc đẩy một bộ phận thầy, cô giáo mở các lớp học thêm ngoài giờ chính khóa để đáp ứng những nhu cầu đa dạng và có khả năng thanh toán. Một số giảng viên đại học thì ký hợp đồng nghiên cứu, hợp đồng thỉnh giảng, công bố công trình khoa học với những nơi có thể trả thù lao theo cơ chế thị trường.
Có thể thấy, sự vận hành của các động lực thị trường trong bối cảnh thế giới kết nối ngày càng chặt chẽ đang đặt ra nhu cầu đổi mới mạnh mẽ đối với hệ thống giáo dục ở nước ta.
Để giảm thiểu những biểu hiện nêu trên, chúng ta cần xây dựng một nền giáo dục không chỉ phục vụ Nhà nước, mà còn có thể vận hành theo cơ chế thị trường, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của thị trường.
Sứ mệnh của giáo dục công lập
Trong xã hội hiện đại, thực hiện “bình đẳng xã hội” và “công bằng xã hội” là những giá trị nền tảng, những yêu cầu then chốt với hệ thống giáo dục công lập ở mọi quốc gia. Trong khi nguyên tắc “bình đẳng” giúp mọi công dân đều được đối xử như nhau, nhờ đó đều được tiếp cận và thụ hưởng giáo dục, thì nguyên tắc “công bằng” chú ý hơn đến các nhóm yếu thế, giúp họ không bị bỏ lại phía sau trong giáo dục.
Ở nước ta, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhấn mạnh hơn nhu cầu thực hiện “công bằng xã hội” trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, lao động, việc làm.
Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII khẳng định quan điểm và chủ trương nhất quán của Đảng về công bằng trong giáo dục: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân…tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có cơ hội được thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục”.
Như vậy, một nền giáo dục công bằng trước hết là không để xảy ra tình trạng nhu cầu học tập của người dân không được đáp ứng. Cũng có nghĩa, dù sống trong hoàn cảnh khó khăn nhất thì mọi công dân vẫn được thụ hưởng giáo dục ở mức tối thiểu. Vì thế, chính sách giáo dục sẽ thúc đẩy công bằng xã hội khi các hành động can thiệp của Nhà nước tập trung đáp ứng nhu cầu học tập của các nhóm yếu thế, như: người nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động di cư…
Đặt trong bối cảnh kinh tế thị trường và xã hội ngày càng phân hóa đa dạng, nền giáo dục cũng cũng có thể vận hành theo cơ chế thị trường, linh hoạt đáp ứng các nhu cầu được phân chia theo trật tự thứ bậc dựa vào khả năng thanh toán khác nhau.
Với những yêu cầu nêu trên, ở bất kỳ quốc gia nào, thực hiện công bằng trong giáo dục tất yếu cần đến vai trò chủ đạo của Nhà nước. Vấn đề đặt ra là chúng ta nên hiểu như thế nào về vai trò chủ đạo của Nhà nước trong bối cảnh hiện nay? Hẳn nhiên, trên phạm vi toàn cầu, một nguyên tắc dễ đạt được sự đồng thuận là Nhà nước chỉ nên làm những gì mà tư nhân không thể, hoặc không muốn làm với giáo dục.
Theo đó, vai trò chủ đạo của Nhà nước trong giáo dục thể hiện rõ nhất ở khả năng phục vụ nhu cầu học tập của số đông người dân. Có nghĩa là, trách nhiệm và bổn phận cao nhất của Nhà nước là phải bảo đảm mọi người dân đều được học tập. Để thực hiện được sứ mệnh này, Nhà nước cần tập trung nguồn lực để phục vụ các nhóm xã hội yếu thế, không để họ bị bỏ lại quá xa so với các nhóm khá giả, thuận lợi hơn trong thụ hưởng giáo dục.
Sứ mệnh của giáo dục công lập là ưu tiên phục vụ “từ dưới lên”, tức là tập trung vào nhu cầu học tập của những nhóm xã hội khó khăn nhất. Với các nhóm xã hội khá giả, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để giáo dục ngoài công lập phát triển, đáp ứng các nhu cầu đa dạng theo khả năng thanh toán.
Nhờ đó, Nhà nước sẽ thực hiện đúng sứ mệnh chính trị với người dân, các nguồn lực tư nhân được phát huy tối đa cho sự nghiệp giáo dục. Xác định rõ rõ sứ mệnh của giáo dục công lập và giáo dục tư thục cũng sẽ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong giáo dục hiện nay, và thúc đẩy công bằng xã hội trong giáo dục.
TS Nguyễn Văn Đáng