Bài báo đăng trên tờ Asean Today của Singapore điểm lại những kết quả nổi bật đạt được tại Hội nghị Cấp cao Asean lần thứ 37, đồng thời đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc tổ chức thành công Hội nghị.

Bài báo dẫn đánh giá về kết quả Hội nghị của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ bế mạc ngày 15/11: “Chúng ta đã nhất trí nhiều nội dung quan trọng tạo động lực mới cho quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, khẳng định cam kết mạnh mẽ với hợp tác đa phương cũng như liên kết và tự do hóa kinh tế. Chia sẻ quan điểm về các vấn đề của khu vực và quốc tế đang nổi lên, chúng ta nhất trí vai trò trung tâm của ASEAN cần được duy trì và tiếp tục phát huy, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, ngăn ngừa xung đột, xây dựng lòng tin, kiến tạo cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ”.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 37. Ảnh: báo quốc tế

Nhiều biện pháp, sáng kiến ​ được thông qua

Tại Hội nghị Cấp cao lần này, các nhà lãnh đạo khu vực đã thông qua Báo cáo đánh giá giữa kỳ các kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; nhất trí về sự cần thiết tiến hành rà soát triển khai Hiến chương ASEAN; khẳng định nỗ lực phát huy tích cực vai trò của ASEAN thúc đẩy hợp tác tiểu vùng gắn với tiến trình phát triển của ASEAN để mọi người dân, mọi vùng miền có được cơ hội đóng góp cho cộng đồng.

Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, hy vọng tạo nền tảng vững chắc cho chặng đường phía trước của Cộng đồng ASEAN.

Với mục tiêu hướng tới một Cộng đồng ASEAN giàu bản sắc, các nhà lãnh đạo ASEAN tán thành việc treo cờ ASEAN và sử dụng bài hát ASEAN để đưa hình ảnh ASEAN đến gần hơn với người dân và công chúng. Hội nghị đã thông qua Bản Tường thuật về bản sắc ASEAN và ra Tuyên bố Hà Nội về tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.

Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên được tổ chức, là cơ hội quý để phụ nữ các nước ASEAN đóng góp cho các nỗ lực phát triển và tăng trưởng bền vững của khu vực.

Liên quan vấn đề ứng phó với dịch Covid-19, ASEAN đã công bố hoặc thành lập nhiều sáng kiến ​​khu vực về hợp tác ứng phó với đại dịch và các nguy cơ dịch bệnh khác, bao gồm Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN và Trung tâm y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.

ASEAN cũng thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN.

{keywords}
Toàn cảnh Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 37. Ảnh: báo quốc tế

Thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới được ký kết

Để mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, ASEAN nhất trí mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) bao gồm Colombia, Cuba và Nam Phi, nâng tổng số nước ký kết lên 43.

Đặc biệt là việc hoàn tất đàm phán và chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và các đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, sau khi kết thúc Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 4 vào ngày 15/11.

RCEP, hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, bao gồm thị trường 2,2 tỷ người - gần 30% dân số thế giới, với tổng GDP là 26.200 tỷ USD - khoảng 30% GDP toàn cầu, và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu.

Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho biết “Việc ký kết Hiệp định RCEP là một sự kiện lịch sử vì nó củng cố vai trò của ASEAN trong việc dẫn dắt một hiệp định thương mại đa phương tầm cỡ, bất chấp những thách thức toàn cầu và khu vực và tám năm đàm phán. RCEP sẽ tạo ra một sự thúc đẩy rất cần thiết để phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ cho các doanh nghiệp và người dân trong khu vực của chúng ta, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 hiện nay”.

Theo Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về RCEP, đây là hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng, góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các khuôn khổ khu vực và tăng cường hợp tác của ASEAN với các đối tác khu vực.

Vai trò của Việt Nam được đánh giá cao

Chuyên gia về thương mại và quan hệ quốc tế từ Viện Nghiên cứu Tài chính Sùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, Giáo sư Liu Ying đánh giá Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức, điều phối và dẫn dắt các hoạt động của khối trên cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Việt Nam đã nỗ lực để đảm bảo các cuộc họp ASEAN diễn ra an toàn, đóng góp vào sự phát triển của khối trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, chính trị và y tế.

Còn Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đánh giá: “Vai trò chủ tịch ASEAN năm nay của Việt Nam rất mẫu mực. Mặc dù phải đối phó với các thách thức COVID-19 trong nước và thiên tai, Việt Nam đã có khả năng lãnh đạo trong việc giữ cho khu vực gắn kết và ứng phó với những thách thức này, đặt vai trò trung tâm của ASEAN và lợi ích của người dân làm trọng tâm ”.

Alison Mann, quan chức cấp cao của New Zealand về APEC, Hội nghị Cấp cao Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN và ASEAN, cho biết, New Zealand đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh đầy thách thức và bất thường.

Bảo Đức

Việt Nam làm điều chưa từng có, từ sự hoài nghi đến điều không tưởng

Việt Nam làm điều chưa từng có, từ sự hoài nghi đến điều không tưởng

Đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN năm 2020 trong bối cảnh đầy thách thức và khó khăn, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong vai trò dẫn dắt, cùng ASEAN tự tin vững bước vào thập niên thứ 6.