Với mong muốn đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động công nhân, người lao động bảo vệ môi trường, đồng thời nêu bật các sáng kiến của công nhân lao động trong công tác bảo vệ môi trường, 12/12, Báo Lao động tổ chức "Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường 2024".
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập Báo Lao Động cho biết, Diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường” đã được lên ý tưởng tổ chức từ năm 2019, đến nay đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần tăng cường vai trò của người lao động tại các doanh nghiệp trong hoạt động giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững…
Năm 2024, Diễn đàn tiếp tục được tổ chức với mong muốn đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động công nhân, người lao động bảo vệ môi trường, nêu cao hơn nữa vai trò của người lao động trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự tham gia tích cực của các công đoàn cơ sở trong các hoạt động giám sát công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường của các doanh nghiệp trên toàn quốc. Đồng thời chương trình tôn vinh những sáng kiến, ý tưởng của người lao động trong công tác bảo vệ môi trường.
Tại Diễn đàn, ông Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường có bài tham luận với chủ đề “Những điểm nổi bật của Luật bảo vệ môi trường 2020; vai trò, tầm quan trọng của việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt”. Ông Trung cho biết, theo số liệu thống kê, tính đến nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên toàn quốc khoảng 67.110 tấn/ngày. Nếu chỉ lấy một số khiêm tốn chi phí để thu gom, vận chuyển và xử lý cho 1 (một) tấn CTRSH là 50 USD thì 1 ngày trung bình cả nước chi khoảng 3,35 triệu USD để thu gom, vận chuyển và xử lý cho toàn bộ CTRSH phát sinh (tương đương khoảng 1.222,75 triệu USD/1 năm). Đây là con số không hề nhỏ cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam…
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau phân tích vai trò quan trọng của việc phân loại rác thải tại nguồn, sự chuẩn bị của các địa phương, việc nâng cao nhận thức cho từng hộ dân, đồng thời nâng cao kiến thức cho công nhân môi trường trong việc phân loại. Diễn đàn cũng phân tích, nêu cao tầm quan trọng của việc phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong tiến trình phát triển chung của đất nước, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26; giải đáp thắc mắc của công nhân, người lao động trong các hoạt động bảo vệ môi trường.