Điều này không những góp phần sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, mà còn làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống của người lao động.

Phát biểu tại hội thảo chuyên đề nông nghiệp tăng trưởng xanh tổ chức tại Quảng Ninh hôm 17/11, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một mô hình mẫu mực để học tập. Hợp tác nông nghiệp giữa hai nước thời gian qua đã đóng góp có ý nghĩa vào phát triển nền nông nghiệp Việt Nam và hiện tại Nhật Bản đang đồng hành hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến lược ngành đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thông qua quá trình thay đổi tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp" để đạt được mục tiêu "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh".

W-hoithao-1.png

Đại diện các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng cũng cho rằng việc hợp tác với tỉnh Hokkaido, Nhật Bản sẽ là cơ hội tốt để phát triển nông nghiệp toàn khu vực, đặc biệt là lĩnh vực chế biến và chế biến sâu từ nước bạn

Ông Vũ Văn Diện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bày tỏ mong muốn xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái hữu cơ, bền vững và hiệu quả với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh.

Đại diện các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã trao đổi, chia sẻ những thông tin hữu ích, kinh nghiệm quý báu về tiềm năng, thế mạnh nền nông nghiệp của tỉnh, với vị thế là một trong bốn ngư trường lớn nhất cả nước, có diện tích rừng gỗ lớn và phát triển cây dược liệu lớn, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung,… 

Định hướng hợp tác trong thời gian tới, đại diện Tổ chức Jica tin tưởng rằng Quảng Ninh và Hokkaido có nhiều điểm tương đồng về đặc điểm địa lý, do đó những công nghệ về nuôi trồng thủy sản hay nông nghiệp hữu cơ của Nhật Bản nếu được áp dụng sẽ phát huy hiệu quả tại Quảng Ninh và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng.

Hồng Anh