Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức môi trường lớn nhất của thời đại chúng ta. Các ngành điện năng có vai trò khác nhau trong cuộc thách thức lớn lao này.
Hình ảnh Nhà máy nhiệt điện than. |
Khi các chính phủ trên khắp thế giới đang chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Biến đổi khí hậu COP21 tại Paris, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Thế giới IAEA đưa ra một bản báo cáo nhấn mạnh đến vai trò của điện hạt nhân trong việc giảm phát thải khí nhà kính; sản phẩm làm Trái Đất ấm nóng lên, đồng thời tham gia giải quyết những thách thức về kinh tế, năng lượng và môi trường của Trái Đất.
Tổng thống François Hollande phát biểu tại phiên khai mạc“Hội nghị thượng đỉnh về Doanh nghiệp và Khí hậu”. Ảnh: Nguồn VNN. |
Bản báo cáo năm nay (năm 2015) thay đổi đáng kể so với bản báo cáo năm trước (2014) do đã cập nhật được các thông tin, phân tích khoa học mới, dựa vào các báo cáo kỹ thuật và các ấn phẩm khác vừa được xuất bản. Những ấn phẩm này bao gồm Chi phí dự kiến của việc phát điện năm 2015 của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) và Cơ quan năng lượng hạt nhân (NEA), Triển vọng Năng lượng Thế giới năm 2015 (IEA) và Lộ trình Công nghệ của Năng lượng hạt nhân năm 2015 (IEA, NEA)…
Hình ảnh Nhà máy điện hạt nhân Oi, tỉnh Fukui, phía Tây Nhật Bản. Ảnh: Nguồn VNN. |
Trong bản báo cáo mới, phần giải quyết các vấn đề mà thông tin có sẵn và không được thay đổi đáng kể trong những năm qua đã được bỏ qua. Trong khi đó, báo cáo đã đưa vào các vấn đề mới như sự đánh giá toàn diện về vai trò tiềm năng của năng lượng hạt nhân trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu”, về sự “đóng góp vào kinh tế và thách thức về môi trường” v.v…Hoặc một nội dung mới khác được đề cập đến, đó là phần “khám phá các vấn đề đang nổi lên” có “ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và năng lượng hạt nhân trong những thập kỷ tới”.
Chẳng hạn, giới thiệu và so sánh về vòng đời phát thải khí nhà kính của các công nghệ hạt nhân khác nhau. Trong đó, nêu lên sự khác biệt giữa công nghệ lò phản ứng nước áp lực và lò phản ứng nước sôi, đồng thời chứng tỏ có thể so sánh điện hạt nhân với các công nghệ lò khác nhau với các công nghệ năng lượng carbon thấp khác. Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng các lò phản ứng nhanh làm mát bằng khí thậm chí có lượng khí thải thấp hơn do hiệu suất nhiệt cao hơn và nhu cầu chu trình nhiên liệu thấp hơn.
IAEA cho rằng những ưu điểm của điện hạt nhân về giảm thiểu biến đổi khí hậu là một lý do quan trọng khiến cho nhiều nước có ý định bước vào điện hạt nhân trong những thập kỷ tới, hoặc mở rộng các chương trình điện hạt nhân đang triển khai. Theo dự báo điểm của IAEA, Điện hạt nhân sẽ tăng tổng công suất ở mức thấp nhất là 385 GWe và ở mức cao nhất là 632 GWe vào năm 2030. Và mức cao nhất này của điện hạt nhân dự báo sẽ đạt đến con số 964 GWe vào năm 2050. Cũng vào thời điểm đó, theo một số kịch bản, điện hạt nhân dự kiến sẽ giúp tránh được một lượng lớn, khoảng 3,3 - 9 giga-tấn carbon dioxide CO2 độc hại phát thải mỗi năm vào năm 2050.
Có thể lấy lời của Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano để kết luận phần trình bày ở trên, rằng: "Điện hạt nhân là một trong những nguồn năng lượng carbon thấp lớn hiện nay”. “Nhiều quốc gia tin rằng nó có thể giúp họ giải quyết những thách thức kép”, đó là vừa “đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng đáng tin cậy” và vừa “kiềm chế phát thải lượng khí thải độc hại”.
Và ông TGĐ nhấn mạnh: “Khi các chính phủ trên toàn thế giới chuẩn bị để đàm phán một thỏa thuận về chống lại biến đổi khí hậu ở Paris, điều quan trọng là những đóng góp của điện hạt nhân” vào cuộc chiến này “được công nhận".
- Trần Minh